Hoạt động khuyến công cần tập trung hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị

- Thứ Ba, 01/12/2020, 00:17 - Chia sẻ
Ngày 30.11, Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương và Sở Công thương tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thí điểm đề án khuyến công giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng xây dựng đề án khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đánh giá của Cục Công thương địa phương, chương trình khuyến công quốc gia thời gian qua đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 Các chương trình khuyến công cũng đã khuyến khích sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cục Công thương địa phương cho biết, các đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020 được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh quốc gia, của vùng và địa phương.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa với đề án “hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển, chế biến lâm sản”; tỉnh Bình Phước với đề án “hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển, chế biến hạt điều”; tỉnh Bến Tre với đề án “phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa”; tỉnh Lâm Đồng với đề án “hỗ trợ các cơ sở nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê”…

 Qua triển khai các đề án hỗ trợ khuyến công, đặc biệt là xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật trên cho thấy, việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất các cơ sở công nghiệp nông thôn đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất, phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền, đặc biệt tại những vùng kinh tế khó khăn.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hoạt động khuyến công cần tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị; tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn xây dựng và phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, thế mạnh của từng vùng; gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền phù hợp với nhu cầu thị trường; cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn; nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển đa dạng hóa sản phẩm; phát triển thương hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất (cụ thể đối với ngành chế biến hạt điều) để tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Sỹ Tuyên