Hoạt động SHTT thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các địa phương

- Thứ Năm, 09/11/2017, 16:06 - Chia sẻ
Tại Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) mới đây, lãnh đạo Bộ KH-CN khẳng định, SHTT ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.

Nhiều kết quả quan trọng

Theo Cục phó Cục SHTT Lê Ngọc Lâm, Cục đang dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho hoạt động SHTT của Việt Nam trong thời gian tới. Dự thảo này được xây dựng nhằm đưa SHTT trở thành công cụ chủ lực, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, tạo ra nhiều tài sản trí tuệ, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.

Tính đến tháng 11.2016, Cục SHTT đã xử lý 80.787 đơn các loại, trong đó có 38.872 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó chấp nhận bảo hộ cho 29.880 đối tượng SHCN, từ chối bảo hộ 8.992 đối tượng SHCN và xử lý 41.915 đơn các loại khác. Đặc biệt lượng đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt hủy bỏ hiệu lực đã được giải quyết tăng cao; kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%), việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh đánh giá, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật về SHTT nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Có thể nói cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới. Hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả khả quan. Điều này có thể thấy rõ thông qua số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp liên tục tăng, các hoạt động thực thi quyền ngày càng sôi động; nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng thành công tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT của địa phương trên toàn quốc vẫn được duy trì ổn định và có những bước chuyển biến tích cực. Cục SHTT và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.Việc đưa vào sử dụng Thư viện số trực tuyến về SHCN trên trang web của Cục SHTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ địa phương tư vấn chính xác hơn và hoạt động tư vấn, xác lập và bảo vệ quyền SHTT tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới. “Công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thực sự mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, hoạt động SHTT thời gian qua mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển KT-XH của địa phương, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để đưa SHTT đến gần người dân, các doanh nghiệp; thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư cho bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về đổi mới sáng tạo và SHTT. Giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh có 198 đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng SHCN, được cấp 119 văn bằng bảo hộ, cao gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2006-2010. Đặc biệt, với việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển các sản phẩm đặc thù thế mạng của tỉnh, Ninh Thuận được cho là một trong những địa phương triển khai các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ một cách có tính sáng tạo.

Nâng cao chất lượng hoạt động sở hữu trí tuệ

Một trong số các vấn đề nổi cộm và khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua tại địa phương chính là việc khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT để phát triển trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, tạo lập cơ sở dữ liệu SHCN trực tuyến cũng được nhiều đại biểu kiến nghị nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


Đại biểu tham quan gian hàng

Theo Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, tới đây, cục sẽ đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ KH-CN (Cục SHTT) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để định hướng hoạt động của hệ thống SHTT quốc gia trong giai đoạn tới. Trong đó, bao gồm các đề án, chương trình: Đề án hoàn thiện chính sách pháp luật về SHTT để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập; Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT; Đề án tăng cường năng lực khai thác thông tin công nghệ trong SHTT, đặc biệt là sáng chế, để phục vụ nghiên cứu triển khai và chuyển giao công nghệ; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đề án huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT theo hướng xã hội hóa một số dịch vụ.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thẩm định đơn đăng ký SHCN. Các địa phương tiếp tục tập trung vào hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ gắn với đặc sản địa phương, đào tạo cán bộ làm công tác SHTT.Về định hướng cần ưu tiên tập trung trong lĩnh vực SHTT tại các địa phương trong giai đoạn tới, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho rằng, trên cơ sở các định hướng lớn đối với nhiệm vụ phát triển KHCN, trong đó có lĩnh vực SHTT được Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần tăng cường, chú trọng vào một số hoạt động chủ đạo nhằm tăng cường và thúc đẩy hoạt động này tại địa phương. Để hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ của Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, vai trò của các địa phương là quan trọng.

Lan Chi