Học cách làm việc tốt với máy móc

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 07:10 - Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc Lee Jae-kap mới đây phát biểu rằng, người Hàn Quốc phải học cách làm việc cùng với máy móc nếu muốn phát triển trong một thế giới hậu đại dịch, nơi nhiều công việc sẽ được xử lý bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Bởi theo nhận định của ông, tự động hóa và AI sẽ thay đổi Hàn Quốc nhanh hơn các nước khác, tác động rất mạnh đến thị trường lao động và ảnh hưởng không nhỏ đến những nhóm dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất như phụ nữ và thanh niên...
Nguồn: ITN

Thích ứng với việc làm thời công nghệ cao

Năm 2017, cứ 10.000 người lao động Hàn Quốc lắp đặt 710 robot công nghiệp. Con số đó đã tăng lên 868 robot trên 10.000 nhân viên vào năm 2019. Các lĩnh vực điện tử và điện sử dụng nhiều robot khối lượng lớn. Năm 2020, chính phủ nước này lên kế hoạch nới lỏng các quy định về phát triển công nghệ robot và tăng ngân sách năm 2021 trong lĩnh vực trên lên 32% để chuẩn bị cho thị trường robot trong nước trở thành một trong 4 quốc gia hàng đầu thế giới trong 3 năm. Báo cáo của Hiệp hội Robot Quốc tế dự đoán, 630.000 đơn vị robot công nghiệp sẽ cung cấp vào năm 2021 trên toàn thế giới trong bối cảnh các khuôn khổ phát triển với tiến bộ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, Bộ trưởng Lee cho rằng, “không phải tất cả việc làm đều có thể bị thay thế bởi máy móc, điều quan trọng là người lao động phải học cách làm việc tốt với máy móc thông qua đào tạo”.

Trong khi mọi người sẽ phải tăng cường khả năng thích ứng để làm việc trong môi trường công nghệ cao thay đổi nhanh chóng, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ phải có vai trò của mình. Bộ trưởng Lee nói thêm, chính phủ cần hỗ trợ để người lao động chuyển từ khu vực này sang khu vực khác của nền kinh tế để tìm kiếm việc làm và tìm cách tăng cường hoạt động của phụ nữ trong nền kinh tế.

Thực tế, phát biểu của Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã nhấn mạnh đến quyết tâm của chính phủ Tổng thống Moon Jae-in trong thúc đẩy chiến lược tăng trưởng được xây dựng dựa trên công nghệ.

Tận dụng chuyên môn của những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Samsung Electronics Co., Hàn Quốc đang tăng tốc nỗ lực chuyển mình thành nền kinh tế tập trung vào công nghệ có khả năng phục hồi và tiếp tục vượt lên chính mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng thông qua đổi mới, có khả năng hoạt động hết công suất ngay cả khi một đại dịch khác hoặc cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra như Covid-19.

Bộ trưởng Lee cho biết, “việc làm mới sẽ được tạo ra khi công nghệ tiến bộ”. “Điều quan trọng trong chính sách là làm thế nào để hỗ trợ người lao động chuyển từ lĩnh vực đang thoái trào sang lĩnh vực mới nổi”. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách mở rộng chương trình bảo hiểm việc làm cho 21 triệu người, hay hơn 40% dân số vào năm 2025. Chương trình này là một phần trong sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính dưới hình thức bảo hiểm cho mọi công nhân trong nước, cho dù họ là nghệ sĩ, người làm nghề tự do hay người giao hàng trên nền tảng kỹ thuật số.

Bảo vệ việc làm cho giới trẻ và phụ nữ

Ngoài ra, chính phủ đang cung cấp tiền trợ cấp cho giới trẻ để khuyến khích họ tiếp tục tìm kiếm việc làm, vì cuộc đấu tranh của họ nhằm duy trì việc làm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại đã trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch Covid-19.

Mặc dù năm ngoái Hàn Quốc công bố sự suy giảm kinh tế trong nước không quá nhiều dù bị tác động tiêu cực của virus Corona vào năm ngoái, nhưng nước này không thể ngăn chặn tình trạng mất việc làm tăng vọt khi nhiều đợt bùng phát Covid-19 đã tấn công toàn bộ quốc gia và buộc chính phủ phải hạn chế các hoạt động kinh tế. Đất nước kim chi phải giảm việc làm trong gần một năm cho đến tháng trước khi lượng việc làm tăng lên nhờ chương trình việc làm của chính phủ.

Trong số các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất có phụ nữ làm những công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi tương tác trực tiếp. Theo Bộ trưởng Lee, thực tế này càng khiến cho một trong những vấn đề lao động lớn ở Hàn Quốc trở nên trầm trọng, đó là tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp. Ở xứ sở kim chi, tỷ lệ phụ nữ đi làm chỉ chiếm 53% so với 73% ở nam giới.

Thất nghiệp ở thanh niên cũng vẫn là vấn đề kinh niên của Hàn Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người trong độ tuổi 20 đứng ở mức 8,6% vào tháng trước, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Bộ trưởng Lee phát biểu, “tôi cảm thấy tiếc cho những người trẻ tuổi”, bởi “có rất nhiều việc làm khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng chúng ta đang sống trong thời kỳ tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tìm cách cung cấp thu nhập và hỗ trợ đào tạo để giúp họ tìm được công việc cần thiết”.

Ông nhận định, tỷ lệ thất nghiệp có thể thực sự tăng lên trong những tháng tới khi nền kinh tế phục hồi vì theo tính toán sẽ có nhiều người xuất hiện hơn khi họ tái gia nhập thị trường lao động để tìm kiếm việc làm. Vì vậy, theo ông, nhà nước nên khuyến khích các công ty giữ chân người lao động cao niên hơn là kéo dài tuổi nghỉ hưu hợp pháp, vì biện pháp chung đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Ngoài ra, Hàn Quốc nên mở rộng cửa hơn đối với lao động nước ngoài với những kỹ năng được chào đón, nhưng thực hiện thận trọng với vấn đề nhập cư vốn chỉ đơn giản là bù đắp cho sự thiếu hụt lao động chân tay.

Hiện nay, một vấn đề lớn của thị trường lao động Hàn Quốc là sự khác biệt về tiền lương, sự ổn định và các lợi ích khác giữa lao động thường xuyên và không thường xuyên cũng như giữa các doanh nghiệp quy mô lớn và các doanh nghiệp nhỏ hơn. Do đó, Hàn Quốc gần đây đã phê chuẩn một số công ước quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế và Luật Lao động sửa đổi cho phép người thất nghiệp tự do hơn khi tham gia các liên đoàn lao động. Những động thái như vậy có thể nâng cao vị thế của quốc gia trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.

Ngọc Minh