Học online - quan trọng là hiệu quả

- Thứ Năm, 25/02/2021, 05:35 - Chia sẻ

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã quyết định dừng việc dạy online với lớp 1, 2 vì không hiệu quả. Quyết định này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhận được đồng tình của phụ huynh và dư luận.

Qua khảo sát thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhận thấy, việc học trực tuyến với học sinh khối lớp 1, 2 là không ổn. Học sinh còn quá nhỏ để tự lập với thiết bị học, phụ huynh mất khá nhiều thời gian hỗ trợ, trong khi hiệu quả không cao. Do đó, từ ngày 22.2, Sở đã quyết định dừng học trực tuyến với khối 1 và 2. Tuy nhiên, sau khi dừng học trực tuyến thì giáo viên và phụ huynh sẽ phối hợp để ôn tập kiến thức với học sinh qua Zalo. Còn đối với các khối 3, 4, 5 của bậc tiểu học, việc học trực tuyến vẫn triển khai, nhưng chỉ ôn tập bài cũ. Giáo viên cũng chủ động, căn cứ tình hình của lớp để bố trí thời gian dạy cũng như phần mềm dạy phù hợp, hiệu quả.

Việc học online đã không còn là mới mẻ với giáo viên, học sinh, sinh viên. Ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, với khẩu hiệu “tạm dừng đến trường, không dừng học”, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện dạy và học online. Ngay lần đầu triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá, việc học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây là lần đầu tiên làm được. Với quyết tâm rất cao của toàn ngành, sự quan tâm, đồng hành của các công ty công nghệ, nhà mạng, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở giáo dục, việc học trực tuyến, qua truyền hình đã được tổ chức tốt và bước đầu có kết quả tích cực. Người đứng đầu ngành giáo dục từng khẳng định: Phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học.

Có thể thấy nhiều tác động tích cực của hình thức học online mang lại thời gian qua. Hình thức này được coi là cứu cánh khá hiệu quả trong dạy và học khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giáo viên, học sinh không phải đi lại, bảo đảm được sức khỏe, thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, dù không được tiếp xúc trực tiếp nhưng học online vẫn tạo được sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhờ đó, bảo đảm được nền nếp cũng như quá trình học của các em được thường xuyên, liên tục. Tất nhiên, hiệu quả của hình thức dạy và học này lại phụ thuộc vào từng cấp học, từng lứa tuổi.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì dạy và học trực truyến cũng bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Hệ thống đường truyền, hạ tầng công nghệ có nơi chưa được đồng bộ, học sinh ở nông thôn và miền núi còn gặp khó khăn để tiếp cận với hình thức dạy học này. Có những câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy trong quá trình học online. Do có lúc đường truyền internet bị trục trặc, có những em đã bị out ra khỏi lớp trong khi vẫn tham gia lớp học trước đó, phải mất thời gian mới truy cập để trở lại lớp học. Có không ít trường hợp, do trục trặc hệ thống điện, hay do internet từ phía giáo viên, dù đã đến giờ học nhưng giáo viên vẫn không thể vào lớp, và cứ thế học sinh phải ngồi chờ… Đó là chưa kể, lấy lý do camera bị hỏng, mạng lỗi, một số học sinh không tự giác học chỉ vào điểm danh, sau đó tắt micro và camera rồi làm việc riêng, thậm chí chơi trò chơi… Đây là điều mà giáo viên không thể kiểm soát được học sinh khi học online.

Có thể nói, đối với học sinh lớn, khi đã có ý thức tự giác học, thì việc học trực tuyến mang lại hiệu quả tích cực. Nhưng với học sinh còn nhỏ, nhất là đối với những học sinh tiểu học khối 1 và khối 2 khi các em chưa thực sự tập trung thì việc học online chưa thực sự hiệu quả. Việc học của các em phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của phụ huynh, trong khi vì lý do công việc, không phải lúc nào, phụ huynh cũng có điều kiện để ở bên cạnh khi các em học trực tuyến.

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai học online thực sự đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả của hình thức này lại phụ thuộc vào từng đối tượng học sinh. Do đó, để phát huy hiệu quả của việc dạy và học online, chúng ta phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Và đặc biệt, phải căn cứ vào từng đối tượng học sinh. Việc triển khai không thể thực hiện áp dụng chung cho mọi lứa tuổi, bởi xét đến cùng, chúng ta cần phải thực hiện hiệu quả thực sự, chứ không cần hình thức.

Lê Hùng