Học sinh sớm trở lại "trạng thái bình thường mới"

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 13:40 - Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Đây là công điện mà người dân sống trên địa bàn Thủ đô rất chờ đợi, bởi có rất nhiều hoạt động đã được hoạt động trở lại sau một thời gian dài tạm dừng vì giãn cách.

Theo đó, từ ngày 14.10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch. Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.

Như vậy, cho đến thời điểm này, nhiều lĩnh vực đã được tái khởi động trở lại theo yêu cầu phòng, chống dịch, thì Hà Nội vẫn nói “chưa” với việc cho học sinh trở lại trường học.

Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh thành vùng dịch cũng đã lựa chọn phương án này để bảo đảm an toàn cho cho học sinh. Để không bị trống kiến thức, thay vì đến trường, các địa phương đã chuyển sang hình thức học online để cung cấp kịp thời kiến thức cho các em.

Đối với học sinh lớn tuổi, việc học online về cơ bản là rất phù hợp trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với học sinh đầu cấp 1, học sinh tiểu học, việc học online của các em phụ thuộc không nhỏ vào sự trợ giúp của phụ huynh. Chưa kể, học trực tuyến thường gặp nhiều vấn đề phát sinh như mất kết nối, gián đoạn đường truyền. Vì vậy, việc cho phép nới lỏng hoạt động, phụ huynh sẽ đi làm bình thường trở lại, trong khi các con ở nhà học online thực sự là một thách thức đối với học sinh, nhất là học sinh tiểu học, sẽ rất khó để bảo đảm hiệu quả học tập như mong muốn.

Học sinh trường THPT Lam Sơn (Thanh Hoá) đi học trở lại ngày 21/4. Ảnh: Lê Hoàng.
Học sinh trường THPT Lam Sơn (Thanh Hoá) đi học trở lại ngày 21.4. Ảnh: Lê Hoàng - vnexpress.net

Theo các chuyên gia tâm lý, việc ở nhà quá lâu và tiếp xúc với máy tính liên tục có thể khiến trẻ bị bệnh tâm lý sợ hãi, lo lắng quá mức; tạo thói quen tránh khỏi các tương tác xã hội. Đó là chưa kể khi trẻ học online, tiếp cận với môi trường mạng, nếu không được giám sát chặt chẽ có thể có những hậu quả khôn lường, tiếp cận với những thông tin xấu độc trên mạng. Từ đó hình thành suy nghĩ tiêu cực, hành vi lệch chuẩn. Do đó, không chỉ phụ huynh mà các em cũng mong từng ngày, từng giờ được trở lại trường học.

Việc cho học sinh trở lại trường là mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn, đây cũng là điều mà nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng. Do đó, điểm mấu chốt là cần có đủ lượng vaccine để tiêm cho học sinh, có như vậy mới sớm giúp các em trở lại trường học trong trạng thái “bình thường mới”.

Nhấn mạnh đến an toàn cho học sinh khi trở lại trường học, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể trở lại trường học một cách bình thường nếu được tiêm vaccine.

Một tin vui đối với các em học sinh, giáo viên và phụ huynh, ngày 14.10, Bộ Y tế có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Theo đó, đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 được mở rộng cho người từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, trong đó, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Với trên 8 triệu trẻ ở độ tuổi này, số lượng vaccine để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều, Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ hai mũi cho trên 95%. Như vậy, với lộ trình tiêm vaccine này, ngày học sinh được trở lại trường học trong “trạng thái bình thường mới" sẽ không còn xa!

Song Hà