Thung lũng Silicon ở Việt Nam

Học tập chứ không sao chép

- Thứ Bảy, 29/03/2014, 09:22 - Chia sẻ
Mỗi năm nước ta có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, trung tâm, cá nhân hay tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc đưa kết quả này ứng dụng vào sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, xây dựng một hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư nhằm thương mại hóa nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao là mục tiêu đề án đang được Bộ KH-CN triển khai.

Nguồn: twenty.vn
Hạn chế trong thương mại hóa

Có lẽ, câu chuyện về Flappy Bird của lập trình viên trẻ Nguyễn Hà Đông vừa qua đã phần nào cho thấy tiềm năng chưa khai phá của những nhà khoa học trẻ cũng như thách thức mà công nghệ nước ta đang phải đối mặt. Vẫn biết, nuôi dưỡng một mảnh đất khởi nghiệp, nơi các sản phẩm trí tuệ có thể thành công sẽ là một bước đi tiềm năng, giúp nước ta trở thành quốc gia phát triển sản phẩm công nghệ của chính mình. Thế nhưng, còn nhiều rào cản đối với mục tiêu thương mại hóa các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao. Thực tế cho thấy, sản phẩm được thương mại hóa chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu. Phần lớn các hoạt động về giao dịch công nghệ diễn ra nhỏ lẻ thông qua chợ công nghệ và các sàn giao dịch.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cất ngăn kéo những đề tài nghiên cứu ứng dụng là do các tác giả chưa chủ động khai thác thương mại sản phẩm của mình. Kết quả khảo sát tại nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã cho thấy, sau khi hoàn thành đề tài, phần lớn các nhà nghiên cứu thường chuyển sang thực hiện đề tài khác. Nghiên cứu đã nghiệm thu thường không được chú ý khai thác các bước tiếp theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam với quy mô vừa và nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế cũng khó có điều kiện đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.

Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng, chính việc đầu tư dàn trải, chưa thấy được tiềm năng của nhà khoa học trẻ thời gian qua là nguyên nhân khiến cho sản phẩm được thương mại hóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu. Một trong những minh chứng rõ nét cho thấy nhiều tiềm năng ở nước ta chưa được khai phá là sự tồn tại của Emotiv. Đây là sản phẩm công nghệ cho phép người sử dụng điều khiển máy tính thông qua phân tích sóng não. Điểm ấn tượng là sản phẩm được tạo nên bởi 2 sáng lập viên người Việt nhưng do không thể tìm kiếm được vốn đầu tư mạo hiểm trong nước nên đã dẫn tới việc phải huy động 1 triệu đô vốn thông qua Kickstarter (công ty huy động vốn đại chúng) và thành lập doanh nghiệp tại Mỹ. Mặc dù sáng lập viên này được biết đến là những người Việt trẻ thành công trên thế giới nhưng Emotiv mãi là công ty của Mỹ thành lập tại Mỹ và đem lại nguồn lợi lớn cho người tiêu dùng và nhà đầu tư Mỹ.

Học tập chứ không sao chép

Xuất phát từ thực tiễn và trên cơ sở khảo sát tình hình thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Mỹ, Bộ KH-CN đang triển khai Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” với mục tiêu tạo ra hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp được đào tạo và nâng cao chính sản phẩm của mình, là bàn đạp vững chắc nhằm thu hút ngày một nhiều vốn đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước vào phát triển KH - CN.

Trong Thung lũng Silicon của Việt Nam, các nhà khoa học có thể có các nguồn tài trợ đến từ nhiều đối tượng khác nhau, cung cấp nguồn vốn ngay từ khi họ có ý tưởng, đề xuất nghiên cứu sơ bộ cho công nghệ đến khi hoàn thành nghiên cứu và lập được kế hoạch kinh doanh cụ thể mang tính chiến lược. Thông qua mô hình này, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được đưa ra đánh giá, xem xét tính khả thi, mức độ phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường, của xã hội và tính thương mại hóa. Điều đó sẽ khuyến khích, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội, tạo cơ hội đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Mặc dù cũng với mục tiêu gắn kết nhà khoa học tiềm năng với các nhà đầu tư nhưng theo Giám đốc điều hành Quỹ Pinehill kiêm cố vấn cho Chính phủ Mỹ về đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ Trần Quang Vinh, thung lũng Silicon Việt Nam không nên mô phỏng, sao chép chính xác theo mô hình của Mỹ mà cần những điều chỉnh phù hợp với đặc thù quốc gia. Bởi nếu như ở Mỹ các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, có thể xây dựng dự án thu hút các nhà đầu tư cấp vốn thì các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kỹ năng tối thiểu trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, mô hình thung lũng Silicon Việt Nam cần có thêm bước đệm trong huấn luyện, bồi dưỡng kinh nghiệm cho doanh nghiệp, tạo tiền đề xây dựng những chiến lược cụ thể, xác định chi tiết tối đa về sản phẩm và đối tượng khách hàng sử dụng được hướng tới. Rõ ràng, cơ hội tiếp xúc của doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư không nhiều, nếu không nắm bắt được thị trường, không hiểu rõ các nhà đầu tư sẽ khó có sức thuyết phục và những ý tưởng đổi mới sáng tạo dù hay đến mấy cũng khó lòng được triển khai thành công.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhận định, hệ sinh thái Silicon đến từ cho và nhận, không thể đầu tư chỉ vì đầu tư mà đầu tư phải mang lại lợi nhuận. Việc đầu tư vào các dự án là khá rủi ro nhưng khi thành công sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư và người nghiên cứu. Điều đó đòi hỏi các nhà đầu tư phải mạo hiểm trong tìm kiếm, chọn lựa doanh nghiệp có tiềm năng phát triển KHCN để sẵn sàng cho đầu tư của mình.

Song, mục tiêu thương mại hóa nghiên cứu khoa học chỉ thành công nếu có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước. Cùng với việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách pháp luật, cần đẩy mạnh cơ chế sàng lọc chọn ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng nhất và mở rộng thương mại hóa trên nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không quá tập trung vào một ngành cụ thể. Bên cạnh đó, phân tích kỹ mô hình ở các nước đã áp dụng thành công để rút ra những bài học ứng dụng phù hợp với mô hình thương mại hóa công nghệ ở nước ta cũng là mục tiêu quan trọng cần hướng tới trong giai đoạn hiện nay.

 Thung lũng Silicon (Mỹ) được biết đến là nơi đột phá về công nghệ, khởi nguồn của rất nhiều cái tên nổi bật trên thế giới như Google, Microsoft, Apple… Đây là trung tâm công nghệ cao của Mỹ đồng thời là thị trường, nơi các công nghệ mới gặp gỡ với nhà đầu tư mạo hiểm và kết hợp lại trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tăng trưởng nhanh chóng. Mô hình này thành công bởi nó gắn liền với sự ra đời của doanh nghiệp KHCN, tạo động lực cho các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo.

Thảo Mộc