Hồi sinh không gian Châu Hương Viên

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:51 - Chia sẻ
Sau nhiều năm xuống cấp, không gian Châu Hương Viên đang được ngành văn hóa Thừa Thiên Huế lên kế hoạch trùng tu theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh để trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo. Nhắc đến Châu Hương Viên, người ta nhớ đến chủ nhân của khu vườn đó - thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (Nguyễn Phước Ưng Bình) - người có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế.
	Sau hàng chục năm xuống cấp, di tích Châu Hương Viên sẽ được trùng tu, bảo tồn
Sau hàng chục năm xuống cấp, di tích Châu Hương Viên sẽ được trùng tu, bảo tồn

Nơi ghi dấu ấn Ưng Bình

Châu Hương Viên tọa lạc tại 355 Nguyễn Sinh Cung, phường Phú Thượng, TP. Huế. Không gian Châu Hương Viên rộng 4 sào 7 thước, bên trong có căn nhà rường được cụ Ưng Bình xây cất năm 1933. Với lối kiến trúc ba gian hai chái tuyệt đẹp, ngôi nhà từng là địa điểm hội tụ các tao nhân mặc khách của “Hương Bình thi xã” vang bóng một thuở.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, hiệu Thúc Giạ Thị. Ông sinh ngày 9.3.1877 và mất ngày 4.4.1961, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông từng thi đỗ và làm đến chức Bố chính Hà Tĩnh. Ông được người dân yêu mến bởi dù là hoàng tộc, làm quan to nhưng chủ trương sống thanh đạm, giữ cái tâm thuần chất không nhuốm tục lụy, lòng luôn hướng về cái đẹp, và yêu Huế đến tận cùng gan ruột.

Tác phẩm của Ưng Bình có mặt khắp nơi, từ câu hò giã gạo ở các làng quê đến những buổi ca Huế thính phòng sang trọng hay chương trình ca Huế trên sông Hương, người ta nghe đi nghe lại đến thuộc lòng như một trong những bản sắc riêng biệt của xứ Huế. Quen thuộc và đi vào đời sống người dân có lẽ là điệu hò Huế nổi tiếng được ông viết về vua Duy Tân trong lúc chờ gặp Trần Cao Vân bàn việc nước: Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông?/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Ưng Bình Thúc Dã Thị còn được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba, trong đó tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất là vở “Lộ địch”. Đây được coi là mẫu mực của việc chuyển biên một tác phẩm sân khấu châu Âu sang sân khấu truyền thống Việt Nam.

Không chỉ là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng, Ưng Bình còn có công to lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Nhờ những sáng tác, những làn điệu hò ca Huế của ông mà sinh hoạt ca Huế của người dân xứ Huế trở nên đặc sắc và được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Ngoài ca Huế và tuồng, ông còn để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán.

Địa chỉ văn hóa độc đáo

Châu Hương Viên được xem là nơi đặt nền tảng và ghi lại rất nhiều dấu ấn của Ưng Bình. Thế nhưng, trải qua thời gian cũng như những biến cố xã hội, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Một phần mái nhà và cột, rường chịu lực đã bị sập do mối mọt. Khu vườn rộng lớn của Châu Hương Viên bị thu hẹp do người dân lấn chiếm. Nhà thơ Võ Quê - Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng và nhiều văn nghệ sĩ từng nhiều lần đến đây và tỏ ra tiếc nuối. Ông cùng nhiều người lên tiếng, kêu gọi cơ quan chức năng cứu vãn ngôi nhà, phục dựng một địa điểm văn hóa đặc sắc.

Lãnh đạo chính quyền và ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế sau đó đã kiểm tra thực tế và kết nối gia đình cụ Ưng Bình để xây dựng kế hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích này. Giữa năm 2020, Châu Hương Viên được công nhận di tích cấp tỉnh và cuối năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua nghị quyết đầu tư bảo tồn, tu bổ với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Theo đó, sẽ hạ giải toàn bộ di tích để chống mối mọt trước khi tôn tạo, phục dựng. Ngoài ra, cải tạo nâng cấp sân vườn, điện chiếu sáng, hệ thống an ninh… Thời gian thực hiện bảo tồn, tu bổ là 3 năm.

Ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, thời điểm hiện tại, hồ sơ trùng tu, bảo tồn di tích Châu Hương Viên đã được nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiếp đó là Sở Xây dựng để thẩm định. Đơn vị đã làm việc với Sở Xây dựng về các vấn đề liên quan sau đó sẽ trình UBND tỉnh quyết định. “Khả năng nguồn vốn sẽ được cấp trong năm 2022. Ngay sau khi có vốn, chúng tôi sẽ triển khai trùng tu, bảo tồn di tích theo nghị quyết của HĐND”, ông Lộc nói.

Trước đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu liên quan đến việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Châu Hương Viên. Tất cả đều có chung nhận định rằng phải bảo tồn các yếu tố gốc của di tích; tu bổ thích nghi công trình với công năng mới…

Khi trùng tu xong, Châu Hương Viên sẽ trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo của Thừa Thiên Huế. Ngoài là nơi biểu diễn, giao lưu ca Huế thính phòng, đây còn là điểm sinh hoạt văn học nghệ thuật. “Cùng với đó, chúng tôi sẽ kết hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch, phục vụ biểu diễn ca Huế thính phòng”, ông Lộc nói thêm.

Bài và ảnh: MINH AN