Hội thảo Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 07/01/2021, 16:25 - Chia sẻ
Chiều 7.1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu rõ, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Khu vực ven biển và đồng bằng thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm ngập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và hạn hán. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nghiêm trọng như: nếu mực nước biển dâng 1m, 38,9% diện tích đất của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Khu vực miền núi thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Trước những thách thức đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và triển khai nhiều hành động quan trọng để thích ứng với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Một trong những điểm nổi bất nhất trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong năm 2020 là hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP).

Về các đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu trong NDC cập nhật, Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu gồm: tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Các đại biểu dự Hội thảo cũng đồng tình với 3 mục tiêu chính của việc thích ứng với biến đổi khí hậu, một là, việc nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý của nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Hai là, tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái. Ba là, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam sẽ tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó 1 số nhiệm vụ sẽ tập trung vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo
Các đại biểu chủ trì Hội thảo
Ảnh: Hồ Long

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao những biện pháp cải thiện biến đổi khí hậu như tăng cường năng lực giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; vẫn duy trì được sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; các Bộ, ngành đã rà soát và chủ động ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, một số dự án bố trí dân cư vùng thiên tai còn chưa sát thực tế; một số điểm tái định cư có nguy cơ sạt, trượt lở đất; còn những điểm nóng về phá rừng, công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn; an toàn hồ đập, đê điều chưa đảm bảo, công trình tránh trú bão chưa đủ. Ngoài ra, khung pháp lý cho việc tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia còn hạn chế; cần có thêm sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề liên ngành và liên vùng.

Hồ Long