Hội thảo tham vấn quy hoạch và phát triển bảo tàng sinh thái văn hóa bản địa tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà

- Thứ Bảy, 01/06/2013, 10:11 - Chia sẻ
Ngày 31/5, tại Lâm Đồng, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà tổ chức Hội thảo tham vấn quy hoạch và phát triển bảo tàng sinh thái văn hóa bản địa tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Hội thảo cho biết, mô hình bảo tàng sinh thái và văn hóa là một xu hướng phát triển của bảo tàng mang tính giáo dục toàn diện về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng. Qua khảo sát tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cho thấy đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao với hàng ngàn loài thực vật, động vật quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi có đông đồng bào người K’Ho sinh sống nên còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng rất phù hợp với việc xây dựng mô hình bảo tàng văn hóa sinh thái. Nội dung trưng bày trong bảo tàng không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật quá khứ mà còn góp phần nâng cao nhận thức về sinh thái môi trường rừng và văn hóa bản địa của người dân tộc địa phương. Do đó ngoài việc trưng bày, triển lãm hiện vật thì bảo tàng còn tăng cường các hoạt động thuyết minh về văn hóa – sinh thái – lâm sản ngoài gỗ, tổ chức trình diễn các nghề truyền thống, điệu múa, lễ hội, biểu diễn văn hóa cồng chiêng…
 
Dự kiến, bảo tàng sinh thái văn hóa sẽ được xây dựng dưới chân núi Langbiang với 4 phân khu trưng bày gồm: khu lưu trữ và nghiên cứu; khu vực lịch sử văn hóa bản địa và rừng; khu văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Ngoài hạng mục chính là nhà bảo tàng còn có một số công trình khác như sân dã ngoại lửa trại, nhà rông, vườn thực vật dân tộc học, tượng nhà mồ Tây Nguyên, sân khấu biều diễn… Tổng kinh phí dự kiến để xây dựng bảo tàng sinh thái văn hóa này là 12,7 tỷ đồng.

HM