Hội thảo về chính sách thuế đối với các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập

- Thứ Ba, 28/11/2017, 16:30 - Chia sẻ
Sáng 28.11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo Thực trạng và kiến nghị về chính sách thuế đối với các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập.

Đại diện VUSTA cho biết, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm công bố một số phát hiện của khảo sát về chính sách thuế đối với các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập. Qua đó, đề xuất các giải pháp về chính sách thuế, nhằm tháo gỡ khó khăn của các tổ chức khoa học công nghệ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức khoa học công nghệ... Đề tài khảo sát được tiến hành từ tháng 5 - 11.2017; đối với các tổ chức khoa học công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, nông nghiệp nông thôn, phát triển cộng đồng, truyền thông, vận động chính sách, bình đẳng giới... chủ yếu hoạt động ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác.

Theo kết quả khảo sát, nhìn chung các tổ chức cho rằng, chính sách thuế chưa rõ ràng và khó áp dụng. Cụ thể, 52,2% số đơn vị cho rằng chính sách khó áp dụng, 9% cho rằng chính sách không rõ ràng và không thể áp dụng. Chỉ có 22,4% số tổ chức tham gia khảo sát cho rằng, chính sách thuế rất rõ ràng và dễ áp dụng. 16,4% số tổ chức có ý kiến khác, cụ thể: nguồn thu của các tổ chức phi chính phủ (NGO) không ổn định nên không nên áp dụng chính sách bắt buộc đăng ký mã số thuế; các tổ chức khoa học công nghệ không phải là doanh nghiệp và đề xuất không nên áp dụng chính sách thuế như doanh nghiệp thông thường.

Phần lớn các tổ chức cho biết, họ gặp khó khăn trong phê duyệt viện trợ. Cụ thể, thời gian phê duyệt dự án chậm, khiến các tổ chức nhận tài trợ mất nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí mất cơ hội nếu thời gian thực hiện dự án ngắn; khó tiếp cận được với nguồn ngân sách của Nhà nước dành cho khoa học công nghệ; thiếu các chính sách hỗ trợ NGO tiếp cận các nguồn về vốn, thiết bị nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Trong thực hiện chính sách thuế, phần lớn các đơn vị được khảo sát gặp khó khăn do chính sách thuế thường xuyên thay đổi, không được tư vấn rõ ràng, văn bản hướng dẫn không có; các tổ chức khoa học công nghệ đang làm báo cáo thuế như một doanh nghiệp có thu, lợi nhuận trong khi hoạt động lại mang tính chất phi lợi nhuận; thủ tục hoàn thuế VAT không cụ thể 

Các tổ chức kiến nghị, cần có chính sách đồng bộ về quản lý nhà nước đối với các tổ chức khoa học công nghệ; chính sách thuế và hướng dẫn đối với các tổ chức khoa học công nghệ rõ ràng, nhất quán, đồng bộ và bảo đảm hệ thống dữ liệu về chính sách thuế thuận tiện, dễ truy cập; quản lý việc sử dụng và tiếp nhận viện trợ; kết nối tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Một số ý kiến kiến nghị, Liên hiệp hội cần là đầu mối kiến nghị kịp thời các chính sách bất cập tới cơ quan nhà nước; có bộ phận tư vấn, hướng dẫn các tổ chức thành viên khi cần thiết; ban hành bộ hướng dẫn và tổ chức tập huấn định kỳ các hoạt động cơ bản cho tổ chức khoa học công nghệ từ lúc thực hiện dự án cho đến khi kết thúc; công khai, minh bạch về chính sách hỗ trợ của Liên hiệp hội.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính sách thuế; kinh nghiệm thực hiện chính sách thuế đối với mô hình tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập khi tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài...

Tin và ảnh: Thanh Chi