Hơi thở mới cho nhạc dân tộc

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:08 - Chia sẻ
Bền bỉ với các hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc vẫn giữ được phong cách, làn điệu đặc trưng, nhưng mang hơi thở đương đại, thu hút không những khán giả nhiều tuổi mà cả khán giả trẻ tuổi, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh mong muốn sẽ lan tỏa âm nhạc dân tộc của Việt Nam đến đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.

Âm nhạc dân tộc đang gặp nhiều thử thách

- Là chỉ huy của dàn nhạc giao hưởng, nhưng vẫn gắn bó với nhạc cụ truyền thống, dẫn dắt dàn nhạc tre nứa Sức sống mới, biểu diễn sáo trúc trong các chương trình âm nhạc... anh nhận xét như thế nào về dòng chảy của âm nhạc dân tộc trong đời sống đương đại?

"Hiện nay có nhiều phương tiện giải trí trên truyền hình, thiết bị thông minh... nên để bắt kịp, âm nhạc dân tộc cũng phải được làm mới, nhưng vẫn giữ chất của mình. Đây là một điều rất khó mà chúng tôi vẫn đang trăn trở từng ngày. Dù là nhỏ nhoi nhưng chúng tôi thấy mình đang làm một việc có ý nghĩa".

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh

- Hiện tại, âm nhạc dân tộc của Việt Nam nói riêng, của thế giới nói chung đang gặp rất nhiều thử thách. Không chỉ Việt Nam, mà ở nhiều nước, thể loại nhạc thịnh hành, nhạc pop hay rock bao giờ cũng được khán giả yêu thích và đến với nó nhiều hơn, bởi vì ngôn ngữ của nó gần với đại chúng, bắt kịp thời đại. Còn nhạc dân tộc hay nhạc cổ điển là thứ âm nhạc mang tính lịch sử, không thực sự có cùng hơi thở với cuộc sống hiện đại.

Làm thế nào để vẫn có thể biểu diễn những tác phẩm kinh điển đó với nét nhạc, phức điệu hòa thanh được sáng tác cách đây vài trăm năm, nhưng người nghe của thế kỷ XXI vẫn cảm thấy, nhìn thấy mình ở trong đó và yêu thích nó, đấy là sự thách thức.

- Trong bối cảnh đó, làm sao để nhạc dân tộc đến được với khán giả hiện đại?

- Ở những nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhiều nghệ sĩ đang làm hết sức để đưa nhạc dân tộc vào trường học, ra các không gian khác, tiếp cận khán giả. Đến những nước đó, ở các khu dân cư, ra công viên, bạn sẽ thấy người già, thậm chí cả người trẻ chơi nhạc cụ truyền thống, họ hát kinh kịch, hát kịch Noh... Ở Việt Nam, ví dụ ở miền Nam, thỉnh thoảng mới có người chơi đờn ca tài tử; các loại hình nghệ thuật của các dân tộc khác chưa được biểu diễn rộng rãi. Tôi thấy có thể học hỏi nhiều điều từ các nước bạn và mong rằng sẽ có nhiều người Việt Nam làm điều đó hơn.

Để âm nhạc dân tộc phát triển, có vị thế trong đời sống hiện đại, cần có những người tâm huyết, có khả năng đưa âm nhạc của cha ông đến với công chúng. Để thành công, nghệ sĩ cần có chuyên môn tốt, biết quảng bá, và quan trọng là dung hòa được giữa việc chiều theo thị hiếu của khán giả nhưng không làm mất đi tính cổ điển, cao cấp của âm nhạc dân tộc.

Nghệ sĩ Đồng Quang Vinh với những nỗ lực quảng bá nhạc dân tộc

Nguồn: ITN 

Làm mới nhưng vẫn thuần khiết

- Nhiều năm duy trì dàn nhạc tre nứa Sức sống mới, thu hút công chúng với sự kết hợp nhạc cổ điển, nhạc jazz của phương Tây với nhạc cụ tre nứa của Việt Nam... Anh có thể cho biết tại sao lại chọn nhạc cụ tre, nứa không?

- Đó là do “nhà trồng được”. Bố tôi là NSƯT Đồng Văn Minh, một trong những người chế tác nhạc cụ tre, nứa hàng đầu của Việt Nam. Thực sự tôi tự hào và cũng cảm thấy rất buồn bởi vì hiện tại còn quá ít người, cả Bắc, Trung, Nam, gắn bó với các nhạc cụ này. Chỉ còn đếm trên đầu ngón tay những nghệ nhân giỏi, và đều đã ở tuổi 50, 60 trở lên. Đây không phải là một điều hay. Trong khi đó, để làm ra một cây đàn T'rưng phải tính bằng tháng, phải đi tìm nứa, rồi ngâm tẩm, lại phải dùng dao chuyên dụng gọt chỉnh từng nốt đàn... Đây là một công việc rất vất vả và không có ai trả lương, chỉ tình yêu mới giúp người ta vượt qua được. Bên cạnh đó, tre, nứa tuy rất sẵn, nhưng cái khó là làm thế nào để đưa nó trở thành cây sáo trúc để cậu bé ngồi trên lưng trâu có thể thổi véo von? Biến một cái thứ gì đó rất gần gũi, đơn giản thành nghệ thuật, mang lại niềm vui cho người khác, là điều tôi đánh giá rất cao...

Cây tre, cây nứa cũng là thứ gắn bó với ông cha ta từ nghìn đời, từ chuyện Thánh Gióng dùng tre đánh giặc ngoại xâm, chúng ta ở cạnh lũy tre làng, ăn bằng đũa, có nhà tre, chõng tre... Cây tre mềm mại nhưng cũng quật cường như tính cách của người Việt.

Với những điều đó, tôi thấy rằng nhạc cụ tre, nứa là nghiệp của mình và đang cố gắng để có thể đưa chúng lên tầm quốc tế. Chúng tôi làm hết sức để chúng không chỉ biểu diễn được tác phẩm của các dân tộc Tây Nguyên, của ông cha ta, mà còn chơi được cả những tác phẩm của L.V. Beethoven, của Backstreet Boys, mang tới cho nhạc cụ dân tộc hơi thở mới...

- Hiện nay, ít người hoạt động trong lĩnh vực nhạc dân tộc Việt Nam, lại không nhiều người có thể theo đến cùng niềm đam mê với nó. Anh có những định hướng gì nhằm góp phần bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống?

- Tôi cố gắng hết mình để có thể soạn, phối khí, sáng tác ra nhiều tác phẩm mới vừa có tính dân tộc, vừa có chất lượng cao nhưng lại gần với đại chúng; và bên cạnh đó đương nhiên là công việc bảo tồn, mang đến khán giả những cái làn điệu thuần khiết của dân tộc một cách tốt nhất. Công việc này mất nhiều thời gian, bởi từng luyến láy của nhạc dân tộc phải rất chuẩn: Kỹ thuật nảy hạt của quan họ, kỹ thuật rung của tuồng, ngón vuốt của cải lương... muốn biết được phải đi học từng nghệ nhân... Khối lượng công việc nhiều, nhưng chúng tôi sẽ lên kế hoạch để thực hiện và tôi mong rằng, thông qua việc mình làm sẽ có nhiều khán giả, nhiều đồng nghiệp đồng cảm, cùng chí hướng.

- Xin cảm ơn anh!

Thảo Nguyên