Hơn 94% ngân hàng tham gia chuyển đổi số

- Thứ Năm, 09/09/2021, 10:03 - Chia sẻ
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên 94% các ngân hàng đã tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.

Sôi động chuyển đổi số

Tại tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và sáng kiến chiến lược” do IEC Group phối hợp Backbase Việt Nam tổ chức ngày 8.9, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định: ngân hàng, tài chính là một trong những lĩnh vực tiên phong. Quyết định của Thủ tướng cũng như chiến lược của ngành ngân hàng đều xác định lộ trình cơ bản để chuyển đổi số, trong đó có xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến.
Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, công cuộc chuyển đổi số của các ngân hàng đã và đang diễn ra rất sôi động, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 làm mọi ngành nghề thay đổi tư duy, từ sinh hoạt tiêu dùng, kinh doanh, dịch vụ.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên 94% các ngân hàng đã tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Dịch vụ ngân hàng số len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, kết hợp cùng các ngành nghề tạo thành một hệ sinh thái thông minh, toàn diện. Thực tế chứng minh ngân hàng nào tham gia chuyển đổi số sâu, đa dạng về tiện ích thì đó chính là đơn vị đem lại trải nghiệm cho khách hàng tốt nhất.

Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam Võ Tấn Long nhận xét, hầu hết ngân hàng chuyển đổi số bằng cách sử dụng công nghệ để đưa sản phẩm của mình qua kênh số đến khách hàng. Đồng thời, sử dụng công nghệ này để biến đổi và từ đó tạo ra các giá trị gia tăng mới trên sản phẩm, dịch vụ hiện có. Nhiều ngân hàng còn bắt đầu hoàn toàn dựa trên cơ sở công nghệ số như xu hướng ngân hàng ảo ở Singapore, Thái Lan, Malaysia,…

Chưa có tính tổng thể

Tuy vậy, quá trình chuyển đổi và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số đối mặt nhiều thách thức. Sức ép cạnh tranh không chỉ đến từ các ngân hàng trong và ngoài nước mà còn đến từ những nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi truyền thống như fintech, các hệ thống bán lẻ, công nghệ viễn thông,…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng chưa mang tính tổng thể, đầu tư hạ tầng vẫn chỉ theo nền tảng công nghệ hiện có và không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của công nghệ số. Hệ sinh thái ngân hàng số đã được thiết lập nhưng chưa đầy đủ do sự tương thích về công nghệ kết nối, giao diện lập trình, ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ.

Cũng theo ông Hùng, chuyển đổi số mới tập trung vào số hóa kênh phân phối, còn lại một số hoạt động như cho vay mới chỉ là bán tự động. Một số hoạt động về thanh toán số đã có hành lang pháp lý nhưng về mảng cho vay thì chính sách vẫn chưa rõ ràng và ủng hộ cho việc triển khai.

Ngân hàng đầu tư nhiều cho chuyển đổi số nhưng lại phân mảnh và rời rạc.

Với kinh nghiệm hợp tác cùng 150 ngân hàng trên toàn cầu, bà Trần Diễm Chi, đại diện Backbase tại Việt Nam chia sẻ, các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư nhiều nhưng thực tế rất phân mảnh và rời rạc. Để mở rộng quy mô nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn thì phải tích hợp dữ liệu với fintech và các đối tác khác, từ đó tìm kiếm một hệ thống hoàn chỉnh phù hợp với ngân hàng. Có 4 bài toán đặt ra là: làm sao tạo ra sự khác biệt với ngân hàng khác; ngân hàng có tập trung vào khách hàng hay không; làm sao ngân hàng tối ưu được tính linh hoạt cho các hoạt động của mình; và cần làm gì để duy trì được điều đó.

Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khoa học công nghệ, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) Đinh Văn Chiến cho rằng, khi xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, nội tại các ngân hàng cần có năng lực công nghệ để tạo kết nối, có hệ thống xử lý dữ liệu mới để xử lý giao dịch nhanh, hiệu quả. Cùng với đó, mô hình hoạt động, cách thức triển khai và vận hành phải khác đi, không thể theo mô hình truyền thống. Việc hợp tác với các công ty công nghệ cũng giúp ngân hàng có thể tích hợp để hỗ trợ phát triển các dịch vụ hiệu quả hơn, quy mô lớn hơn. Và hơn hết, tham gia vào hệ sinh thái nhưng không được đánh mất bản sắc, ngân hàng phải xác định được mình cần gì, khách hàng có nhu cầu như thế nào để tạo ra sản phẩm đặc thù mang tính chiến lược lâu dài.

Minh Trang