Hồng không hạt Quản Bạ được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý

- Thứ Bảy, 23/09/2017, 23:30 - Chia sẻ
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị công bố Chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm Hồng không hạt, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Tham dự Lễ công bố có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Trao giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ 

Theo báo cáo UBND tỉnh Hà Giang, hồng không hạt Quản Bạ được trồng cách đây trên 300 năm nay, chủ yếu ở các xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân, xã Bát Đại Sơn và xã Quản Bạ. Hiện nay tổng diện tích hồng không hạt khoảng gần 96ha, trong đó trên 56ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 560 tấn/năm. Hồng không hạt có hình dạng tròn đều, màu vàng sáng, hơi bóng; tai quả to, độ ngọt sau ngâm dịu, trọng lượng 20 - 25 quả/kg, đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân. Với ý nghĩa lưu giữ giống bản địa hàng trăm nay cùng những giá trị kinh tế cao, Cục Sở hữu trí tuệ đã Quyết định cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt huyện Quản Bạ. Việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” cho sản phẩm hồng không hạt sẽ tạo cơ hội phát triển bền vững, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập thị trường trong nước và khu vực.

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá Hà Giang là một trong những tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nhiều nhất cả nước. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Chỉ dẫn địa lý Quản Bạ cho sản phẩm hồng không hạt sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để công tác quản lý chỉ dẫn địa lý hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần chỉ đạo xây dựng các chích sách hỗ trợ quản lý chỉ dẫn địa lý nói chung và chỉ dẫn địa lý hồng không hạt nói riêng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng chỉ dẫn địa lý hiệu quả nhất; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển chuỗi liên kết; xây dựng thị trường phù hợp với quy mô sản xuất; các tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý cùng giữ gìn và phát huy danh tiếng sản phẩm đặc thù của mình.

Tin và ảnh: NHẬT ANH