Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước 2 luật vừa được Quốc hội thông qua

- Thứ Hai, 29/11/2021, 14:47 - Chia sẻ
Sáng 29.11, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 2 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại cuộc họp báo

Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự gồm 2 điều. Theo đó, tại khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tin tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, đồn Công an).

Tại các khoản 2,5,6, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các khoản này cũng quy định giao Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Tại khoản 3 và khoản 4, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 266 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Luật sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Luật sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp; phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sơ hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Đối với Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã nêu tại khoản 1 Điều 1 của Luật, bảo đảm đúng theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2021.

Thay thế phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước. Sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Luật thay thế phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015 gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022.

Hoàng Ngọc