Minh Sư đạo

Hợp nhất tinh hoa Tam giáo

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:51 - Chia sẻ
Minh Sư đạo có tên đầy đủ là Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo. Tôn giáo này vốn có tên gọi là Tiên Thiên đạo khi ở Trung Quốc và được đổi thành Minh Sư đạo khi vào Việt Nam. Từ khi du nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX, thời vua Tự Đức, Minh Sư đạo đã xây dựng được hàng trăm ngôi chùa, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố từ Huế trở vào. Ngôi chùa Minh Sư đạo đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng là Minh Chiếu Phật đường (ở Chợ Lớn), ngôi thứ hai là Quảng Tế Phật đường (1863) được xây dựng tại Hà Tiên.
Quang Nam Phật Đường - Tổ đình của Minh Sư đạo - Nguồn: chuadieunam.vn
Quang Nam Phật Đường - Tổ đình của Minh Sư đạo
Nguồn: chuadieunam.vn

Minh Sư đạo được xây dựng trên nền tảng thống nhất tinh hoa của Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo). Giáo lý Minh Sư đạo đề cao từ bi, giáo ngộ, giải thoát, chủ trương tự độ, tự tha. Đối tượng thờ phụng của Minh Sư đạo rất đa dạng, bao gồm: Ngọc hoàng Thượng đế, Diêu Trì Kim Mẫu, Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Thái Thượng Lão Quân, Địa tạng vương Bồ tát, Cửu huyền thất tổ, Thần hoàng bổn cảnh, thổ địa, vong linh...

Trong quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam, Minh Sư đạo cũng chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn hóa, tín ngưỡng bản địa bằng việc đưa vào thần điện của mình các nhân vật như Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Trần Hưng Đạo... Mặt khác, Minh Sư đạo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành, phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ trên các phương diện như giáo lý, đối tượng thờ cúng, phương thức tu tập. Trong số này, đạo Cao Đài và Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhiều ảnh hưởng của Minh Sư đạo. Ông Ngô Lợi, người sáng lập Tứ Ân Hiếu Nghĩa từng tu theo Minh Sư đạo.

Kinh sách của Minh Sư đạo rất phong phú, bao gồm: Ngọc Hoàng kinh, Diêu Trì Kim Mẫu kinh, Quan đế Đào Viên Minh Thánh kinh, Quan Thánh giáng bút chân kinh, Thái Thượng cảm ứng thiên, Thanh tịnh kinh, Cứu khổ kinh, Thiên Ngươn kinh, Khổng Tử tâm kinh, Đạo Môn nhật tụng, Thiện Môn nhật dụng kinh... Kinh sách của Minh Sư đạo đều bằng chữ Hán, có ảnh hưởng nhiều đến trường phái tư tưởng, tôn giáo ở Nam Bộ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Ngày 1.10.2008, Chính phủ trao quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Minh Sư đạo là “Hiệp nhất tinh hoa của ba tôn giáo Nho - Thích - Đạo để từ đó tu hành, tự độ, độ tha nhằm giáo hóa chúng sinh, hồi đầu hướng thiện, tu chân giải thoát”.

Hiện nay, Minh Sư đạo hiện diện ở gần 20 tỉnh, thành phố vùng Nam Bộ như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Kiên Giang, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An... Tại Hà Nội, Minh Sư đạo cũng có một cơ sở là Diệu Nam Phật đường trên phố Đại La.

Tổ đình của Minh Sư đạo đặt tại Quang Nam Phật Đường, số 17 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Minh Sư đạo hiện còn 53 ngôi chùa, với khoảng 300 vị lão sư, 12.000 tín đồ, bao gồm cả người Hoa và người Việt.

Ngọc Hà