Hội nghị trực tuyến AIPACODD 3

Hợp tác nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN không có ma túy

- Thứ Ba, 30/06/2020, 05:27 - Chia sẻ
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế, chính trị - an ninh mà còn làm phát sinh những thách thức mới trong công tác phòng, chống ma túy của các quốc gia trong khu vực ASEAN, Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) là dịp để các Nghị viện thành viên AIPA chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp trên mặt trận này.

Bối cảnh đặc biệt

Khác với hai hội nghị AIPACODD 1 và AIPACODD 2 tổ chức tại Singapore và Thái Lan, Hội nghị AIPACODD 3 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Năm Chủ tịch AIPA 41 của Việt Nam. Với vai trò nước chủ nhà, Quốc hội nước ta đã có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, tận dụng phương thức ngoại giao trực tuyến với các nước ASEAN và các nước đối tác để triển khai các hoạt động trong Năm Chủ tịch AIPA 41. Vì thế, Hội nghị AIPACODD 3 đã được tiến hành theo phương thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu gồm 10 đoàn Nghị viện thành viên AIPA, Tổng Thư ký AIPA; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng Tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm
Ảnh: Q. Khánh

Với chủ đề “Biến lời nói thành hành động hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy”, Hội nghị AIPACODD 3 đã bám sát chủ đề chung của Năm Chủ tịch AIPA 41 là “Ngoại giao Nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng”; đồng thời, kế thừa những cam kết trong Nghị quyết Hội nghị AIPACODD 1 về “Bảo đảm Cộng đồng ASEAN không ma túy cho thế hệ tương lai” và Nghị quyết Hội nghị AIPACODD 2 về “Phát triển thay thế để hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ma túy”. 

Nhiều đại biểu đánh giá, chủ đề của Hội nghị AIPACODD 3 tiếp tục khẳng định trách nhiệm của các nhà lập pháp trong khu vực trong việc đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy, tăng cường vai trò của các nghị viện, nghị sĩ, nhằm hiện thực hóa các cam kết, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người.

Tăng cường hợp tác khu vực là cấp thiết

Hiểm họa ma túy vẫn đang là thách thức lớn với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, thể hiện rõ trong Báo cáo quốc gia của các đoàn nghị viện tham gia Hội nghị AIPACODD 3. Trưởng đoàn Nghị viện Brunei cho biết, năm 2019, số tội phạm liên quan đến ma túy ở nước này tăng khoảng 1,3% so với số tội phạm về ma túy năm 2018. Ma túy tổng hợp vẫn là loại ma túy bị lạm dụng nhiều nhất trong năm 2019 tại Brunei. Còn tại Campuchia, như chia sẻ của Trưởng đoàn Nghị sĩ Campuchia Sry Hou, quốc gia này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của các xu hướng buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép trên thế giới và trong khu vực. Hiện tội phạm về ma túy vẫn sử dụng quốc gia này, nhất là các tỉnh biên giới với các quốc gia láng giềng và những điểm nóng về ma túy khác, làm nơi quá cảnh để vận chuyển “hàng cấm”. Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Lào Amphay Chitmananh, ma túy là vấn nạn toàn cầu và thách thức nghiêm trọng với nhân loại. Vấn nạn ma túy không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn cơn của tội phạm và tham nhũng, mà còn gây thiệt hại lớn cho các nạn nhân của ma túy cùng gia đình họ. Từ thực tế này, các nhà lập pháp trong khu vực nhấn mạnh, các nỗ lực phòng, chống ma túy cần phải thực hiện không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn phải có sự hợp tác giữa các nước trong khu vực. 

 Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương Inshik Sim cho rằng, vấn đề ma túy ở Đông Nam Á đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Ma túy đã trở thành cuộc khủng hoảng gây ra những hệ lụy về sức khỏe, quyền con người, an ninh và kinh tế đối với các quốc gia có liên quan. Để vượt qua khủng hoảng này, chuyên gia của UNODC cho rằng, việc xây dựng các chính sách mang tính cân bằng hơn, trong đó y tế công cộng và sức khỏe xã hội đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cải cách chính sách.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, các quốc gia trong khu vực đều chia sẻ mối quan tâm chung về những thách thức từ việc sản xuất, buôn bán và lạm dụng ma túy bất hợp pháp đối với an ninh và sự ổn định của khu vực ASEAN. Với nhận thức đó, các nước thành viên ASEAN nhất trí thúc đẩy 5 mục tiêu nhằm hiện thực hóa tầm nhìn hướng đến Cộng đồng ASEAN không có ma túy đến năm 2025.

Tổng Thư ký AIPA cho biết thêm, ASEAN đã thực hiện các bước quan trọng để giảm cung và cầu về ma túy như: Thông qua Kế hoạch hoạt động của ASEAN về bảo vệ cộng đồng chống ma túy bất hợp pháp 2016 - 2025; hợp tác với các quốc gia không phải thành viên ASEAN để thực hiện Kế hoạch hợp tác ASEAN để giải quyết vấn đề sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp trong Tam giác vàng 2017 - 2019. Tuyên bố chung ASEAN năm 2019 và Tuyên bố chung ASEAN phản đối việc hợp pháp hóa sử dụng ma túy năm 2018 đã tái khẳng định cam kết chung của ASEAN đối với tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN không có ma túy…

Theo Tổng Thư ký AIPA, các nước ASEAN nhận thức rõ rằng, buôn bán ma túy thường là tội phạm xuyên quốc gia, được thực hiện bởi mạng lưới tội phạm rộng lớn hoạt động ngoài biên giới mỗi nước. “Không quốc gia nào trong khu vực miễn dịch với nạn buôn bán ma túy”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký AIPA cho rằng, cùng với triển khai các chính sách ở tầm quốc gia, tăng cường hợp tác khu vực là cấp thiết nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống này.

Kiên định lộ trình hướng tới Cộng đồng ASEAN không có ma túy

Thực tế, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trái phép trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là tình hình sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực Tam giác vàng đang gia tăng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ các nước triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 từ những tháng đầu năm 2020 đã tác động đến tất cả các khía cạnh của thị trường ma túy trái phép. Theo phân tích của các chuyên gia, việc thực hiện chính sách giãn cách xã hội khiến hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ma túy khó khăn, dẫn đến tích trữ lượng ma túy lớn. Khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ, do dư nguồn cung, giá thành ma túy giảm khiến lượng ma túy được sử dụng tăng. Biện pháp giảm, tạm dừng khai thác đường hàng không quốc tế để phòng, chống dịch Covid-19 khiến các băng nhóm buôn bán ma tuý chuyển sang tăng cường sử dụng tuyến đường biển, đường bộ, đường bưu điện, đường hàng không nội địa, gây thêm khó khăn đối với lực lượng kiểm soát ma tuý tại các khu vực này. Tội phạm ma túy tăng cường sử dụng công nghệ cao, nhằm vô hiệu hóa công tác kiểm soát ma túy của lực lượng chức năng các quốc gia.

Đáng lưu ý, suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 cũng được xem là tác nhân thúc đẩy các tổ chức tội phạm tăng cường buôn bán ma túy nhằm thu lợi và bù đắp những thiếu hụt trong giai đoạn các nước tăng cường phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc ưu tiên đầu tư nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng lớn tới nguồn lực dành cho phòng, chống ma túy của các quốc gia. 

Từ thực tế đó, các nhà lập pháp AIPA nhất trí rằng, chiến lược phòng, chống ma túy của các quốc gia cần có sự điều chỉnh nhằm ứng phó với những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19. Với tinh thần này, hội nghị đã thông qua Nghị quyết AIPACODD 3, nêu bật các thách thức vốn có cũng như những thách thức mới trong công tác phòng, chống ma túy trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19 như: Gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp; kiểm soát và thất thoát tiền chất ma túy; gia tăng các cơ sở sản xuất ma túy; hay một số quốc gia hợp pháp hóa sử dụng một số chất ma túy, gây khó khăn cho kiểm soát ma túy trong cộng đồng quốc tế…

Nghị quyết AIPACODD 3 hối thúc mạnh mẽ các Nghị viện thành viên AIPA bảo đảm thực thi hiệu quả các hoạt động trong Kế hoạch hành động Bảo vệ Cộng đồng ASEAN phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2025 được các Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) lần thứ 5 vào ngày 20.10.2016; tiếp tục tăng cường nhận thức về tệ nạn ma túy và tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường ma túy để từ đó có những điều chỉnh các chương trình, kế hoạch ứng phó với ma túy phù hợp, thích ứng với tình hình mới.

Nghị quyết cũng khuyến khích thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế thông qua chia sẻ thông tin, hợp tác qua biên giới, duy trì và mở rộng các dự án, chương trình; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực nhằm đối phó với vấn đề ma túy thế giới và khu vực một cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19.

Nghị quyết AIPACODD 3 được các Nghị viện thành viên AIPA thông qua với sự nhất trí cao, thể hiện sự ủng hộ của các nhà lập pháp trong khu vực đối với quan điểm, lập trường chủ đạo của ASEAN về phòng, chống ma túy: Không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy, cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN không có ma túy. 

Nhật An