Hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp bền vững

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 20:23 - Chia sẻ
Nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của đất nước, tuy nhiên theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá và ngược lại, môi trường ô nhiễm và thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Vì vậy, cần phải thúc đẩy khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các vấn đề này. Bộ Nông nghiệp nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp của CGIAR.

Nhằm đánh giá những thành tựu đạt được trong quan hệ đối tác, đồng thời thảo luận về các cách thức giúp cải thiện hơn nữa sự hợp tác hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, ngày 10.12, Mạng lưới đổi mới sáng tạo nông nghiệp lớn nhất toàn cầu (CGIAR) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị điều phối lần thứ ba.

Nông nghiệp tăng trưởng ấn tượng nhưng chưa bền vững

Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 190,32 tỷ USD. Đáng chú ý, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt kỷ lục 41 tỷ USD. Riêng 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 43,5 tỷ đô la Mỹ, tăng tới 14,2% so với cùng kỳ năm trước và dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm. 

Hội nghị điều phối lần thứ ba giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế

Nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của đất nước, đem lại thu nhập và sinh kế cho hàng chục triệu người ở nông thôn và vùng cao. Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên, sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá và ngược lại, môi trường ô nhiễm và thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Vì vậy, cần phải thúc đẩy khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các vấn đề này. “Để bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn và thách thức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp của CGIAR” - Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới thể chế, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao trình độ. Việc thúc đẩy hợp tác giữa CGIAR với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là cơ hội xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm tốt hơn nữa, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với thực phẩm sạch, và một nền sản xuất ít phát thải cacbon chia sẻ, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới nhất vào phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.

Cần cách tiếp cận tổng thể và toàn diện

Để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp đa giá trị, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, Nhà nước cần kiến tạo phát triển, tập trung vào một số nhiệm vụ chính và tạo môi trường. Trong đó, tiếp tục tái cơ cấu duy trì và khôi phục tăng trưởng theo 3 trục và theo lĩnh vực: Xây dựng vùng chuyên canh cho hàng hóa lớn, phát triển sản phẩm địa phương theo hướng nông nghiệp sinh thái; Tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ; Đổi mới tổ chức thể chế của Hợp tác xã, doanh nghiệp, hiệp hội.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống đầu vào phục vụ sản xuất hiệu quả bền vững, bao gồm hệ thống nghiên cứu (giống), thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, quản lý phát triển vật tư đầu vào; đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi.

TS. Trần Công Thắng nhấn mạnh, cần liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững thông qua việc xây dựng chuỗi nông sản chủ lực, vùng chuyên canh, cụm ngành chế biến. Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển thị trường xuất khẩu và trong nước. Đặc biệt là hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Hệ sinh thái ngành hàng, trong đó doanh nghiệp đầu tầu bảo đảm vai trò hạt nhân.

TS. Jean Balie, Giám đốc khu vực của One CGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia trọng điểm trong chiến lược hoạt động của CGIAR. 5 năm qua, CGIAR đã thực hiện hơn 100 dự án tại hơn 40 tỉnh thành của Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư 24 triệu USD, mang lại lợi ích cho hơn 24 triệu người. Nghiên cứu của CGIAR đã đem lại tác động trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi hệ thống thực phẩm bền vững và cải thiện sức khỏe con người và động vật.

Duy Anh