Hợp tác xã phải gắn với chuỗi giá trị nông sản

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:43 - Chia sẻ
Theo ​​​​​​​PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thiên tai và dịch bệnh khiến thị trường sản phẩm tươi như trái cây, rau củ quả, thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhưng ngược lại nhu cầu về thực phẩm trên thế giới lại tăng lên. Đây chính là thời điểm để các hợp tác xã (HTX) phát huy vai trò trung tâm của mình trong chuỗi giá trị nông lâm thủy sản.

Thời điểm phát huy vai trò trung tâm 

PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, do thiên tai và dịch bệnh, thị trường sản phẩm tươi như trái cây, rau củ quả, thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu về thực phẩm trên thế giới tăng lên, một số sản phẩm có thể bảo quản được hay sản phẩm đã qua chế biến thì có lợi thế. Ngoài ra, an ninh lương thực trong nước vẫn bảo đảm do tỷ lệ nông dân sản xuất trực tiếp cao và đây cũng là thời điểm để các HTX phát huy vai trò trung tâm của mình trong chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản.

Đầu năm nay, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế khai trương sàn kinh tế hợp tác, phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình thị trường xuất khẩu bị hạn chế, nông sản không tìm được đầu ra, sàn kinh tế hợp tác vào cuộc tham gia cùng các ban ngành, thực hiện giải cứu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các HTX và bà con nông dân. Từ đầu tháng 3 đến tháng 9.2020, đã có hơn 1.052 lượt khách hàng tương tác, tiếp nhận 500 đơn hàng trực tuyến, trong đó có 231 giao dịch thành công... Nông sản của nông dân được giải cứu với số lượng 14 nghìn con vịt, hơn 3 nghìn con gà, giải cứu gạo hữu cơ An Lỗ, 171 đơn hàng trực tuyến…

Được coi là “hiện tượng nông nghiệp” trong những năm gần đây, Liên minh HTX Sơn La cũng đã có rất nhiều hỗ trợ giúp các doanh nghiệp, hộ nông dân nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, các HTX tham gia toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị và đóng vai trò chính trong chuỗi giá trị đó. Những vấn đề liên quan tới kỹ thuật, giống đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, tem nhãn, bao bì, đầu ra thị trường siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng,… đều do HTX đảm nhận và cung ứng các dịch vụ. HTX còn là trung gian trong một hoặc một số quy trình nào đó của chuỗi giá trị, tham gia vào tư vấn kĩ thuật, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Không chỉ vậy, HTX là tổ chức đại diện cam kết, ký các hợp đồng tiêu thụ, cung ứng sản phẩm cho các thành viên, giải quyết đầu ra cho các thành viên thông qua các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn,… mà không tham gia quyết định trong các khâu còn lại của chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đến tháng 9.2020, cả nước thành lập mới 1.933 HTX. Chính sách về HTX đã được ban hành và thúc đẩy mạnh mẽ. Năm nay, Liên minh HTX Việt Nam có kế hoạch xây dựng mới 200 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Các mô hình đã góp phần mở rộng số lượng và quy mô HTX gắn với chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, cải thiện năng lực quản trị, điều hành HTX, đặc biệt là gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Điều đáng mừng là khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 7%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%, lợi nhuận cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.

Rất ít HTX tự xuất khẩu được

Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá, năng lực của HTX còn yếu và các đối tượng thành viên chủ yếu vẫn là những hộ nông dân nhỏ. Theo khảo sát của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, 80% hộ nông dân có diện tích nuôi trồng dưới 1ha, sản phẩm thu hoạch còn bị phân tán, chủ yếu mua bán qua thương lái. Đến cuối 2019, chỉ có 24,5% HTX nông nghiệp có dịch vụ tiêu thụ nông sản cho thành viên và 10 – 15% sản lượng nông sản do nông dân sản xuất ra được tiêu thụ thông qua các HTX. Đến 31.8.2020, số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 1.551/16.000, chỉ chiếm 9,7%.

Cũng theo các chuyên gia, một trong những hạn chế khiến HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả là chưa tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trình độ văn hoá và nghiệp vụ cán bộ, quản lý và thành viên HTX nông nghiệp còn yếu kém, phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng trong ứng dụng các kỹ thuật mới và tiếp thu chính sách mới. Có HTX không được cấp đất hoặc thuê đất để sản xuất kinh doanh, làm kho, làm trụ sở. Việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của HTX chưa nhận được những đầu tư, quan tâm nhiều của các cấp, ngành.

Mặt khác, theo PGS TS. Đào Thế Anh, sự tham gia của HTX vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Hệ thống dịch vụ hậu cần (logistic) phục vụ chuỗi giá trị còn yếu và chi phí cao, đây là bài toán rất khó tìm lời giải với doanh nghiệp. Số nhà máy chế biến cũng chưa đủ so với nhu cầu của thị trường. Việt Nam có rất ít HTX tự xuất khẩu được, các HTX tham gia xuất khẩu nông lâm thủy sản thường thông qua một công ty xuất khẩu ủy quyền nhưng khả năng sơ chế đóng gói yếu.

Để ngành nông nghiệp nói chung, HTX nói riêng tiếp tục phát triển trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, PGS TS. Đào Thế Anh cho rằng ứng dụng khoa học kỹ thuật thích ứng, tiên tiến; cơ giới hóa các khâu trong chuỗi giá trị, công nghệ số trong quản trị là phương pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu áp lực về mặt con người. Ngoài ra, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối mới, hệ thống bán hàng hiện đại, trực tuyến là xu thế các HTX nên áp dụng. Các ngân hàng cũng cần dịch chuyển từ người cho vay dựa vào tài sản thể chấp sang là những nhà cung cấp các giải pháp tài chính cho HTX. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ như về nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ hộ nông dân nhỏ tham gia chuỗi giá trị và tăng cường tính chống chịu với các rủi ro.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi đề xuất, trong thời gian tới nên tập trung xây dựng các chính sách tháo gỡ những khó khăn nội tại của HTX về chất lượng nguồn nhân lực, vốn, đất đai, xúc tiến thương mại, thương hiệu,… Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần cải cách thủ tục hành chính về thuế, vay vốn để thu hút liên doanh, liên kết và nguồn đầu tư của các nhà máy, tập đoàn chế biến lớn ở trong nước cũng như thế giới để tạo nên chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm gắn với các HTX, Liên hiệp HTX.

Minh Trang