Hợp tác xây dựng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn

- Thứ Ba, 30/11/2021, 17:00 - Chia sẻ
Chiều 30.11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Cơ quan thương mại của Đại sứ quán Na Uy - Innovation Norway, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Tiếp cận đa bên – Chìa khóa thành công của nền kinh tế tuần hoàn”.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về các vấn đề quản lý chất thải rắn tổng hợp và biến đổi khí hậu; sự phối hợp giữa Trung ương, các Bộ, ngành và địa phương cũng như ý nghĩa trong việc đạt được mục tiêu kinh tế tuần hoàn; cách thức điều phối và đầu tư tập thể cho nền kinh tế tuần hoàn, các giải pháp và hệ thống quản lý tài nguyên tổng hợp nhằm tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn và trung hòa carbon.

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Jan Wilthem Grythe cho rằng, cách tiếp cận đa bên của Na Uy, trong đó cơ quan quản lý nhà nước hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu và sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách là mô hình thành công trong nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa. Chúng tôi muốn chia sẻ mô hình này với Việt Nam.

Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Jan Wilthem Grythe tại Hội thảo
Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Jan Wilthem Grythe

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andre Jeffries cho rằng, tại Việt Nam, nhiều thành phố trở thành các trung tâm kinh tế, nhưng thực tế đang đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa các cơ sở hạ tầng và dịch vụ, trong đó bao gồm cả hệ thống quản lý chất thải rắn. Nghiên cứu Chuẩn bị Dự án về Quản lý Chất thải Rắn tại Vũng Tàu là một trong nhiều hướng đi mà ADB đang hỗ trợ cho quá trình phục hồi xanh "hậu Covid-19" và chiến lược phát triển carbon thấp của Việt Nam. Ông Andre Jeffries khẳng định, đại dịch Covid-19 là cơ hội tái thiết theo các mô hình bền vững, một trong những cách tiếp cận để đạt được điều này là chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andre Jeffries
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andre Jeffries

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, để có thể xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, người dân cần tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững; quản lý chất thải theo hướng coi chất thải là tài nguyên; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong các hoạt động tái chế, xử lý chất thải; thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đi đôi với hạn chế nhựa sử dụng một lần và bao bì khó phân hủy sinh học.

Tại Hội thảo, CDIA cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho TP. Vũng Tàu. Theo đó, CDIA sẽ chuẩn bị một chương trình đầu tư quản lý chất thải rắn mang tính tổng thể cho TP. Vũng Tàu, bao gồm tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, tới thu gom, phân loại tại cơ sở trung chuyển, tái chế và xử lý, cho đến công đoạn cuối cùng là loại bỏ chất thải.

Đức Hiệp