Hứa hẹn một bản Chiến lược đúng tầm

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 06:22 - Chia sẻ
Sau hai lần tham vấn các ý kiến chuyên gia, Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Tổng cục GDNN tổ chức đã hoạch định được các quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện cơ bản. Ở lần tham vấn thứ ba, diễn ra ngày 27.11 tại Cà Mau, một lần nữa, các nội dung trong Chiến lược đã nhận được rất nhiều đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học và những người trong nghề; nhiều giải pháp được đưa ra, hứa hẹn GDNN sẽ có một bản Chiến lược phát triển đúng tầm.

Trong thách thức vẫn có nhiều cơ hội

Có thể thấy, GDNN những năm gần đây có bước chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Sự chuyển biến đến từ yêu cầu tự nhiên của quy luật phát triển xã hội và sự chuyển biến đến từ chính nhu cầu tồn tại của các cơ sở GDNN. Song, quá trình chuyển biến, làm mới mình, GDNN cũng đã trải qua không ít áp lực, khó khăn. Nhận thức của xã hội về học nghề chưa đầy đủ; vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, trong đó có cả lực lượng sử dụng lao động khối cơ quan nhà nước…

Phải để doanh nghiệp thấy lợi ích của việc sử dụng lao động qua đào tạo
Nguồn: Internet

Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã đề ra giải pháp tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Trong đó, nêu rõ phải xây dựng cơ chế để doanh nghiệp chia sẻ, cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng, trình độ, kỹ năng của người lao động cần có đối với doanh nghiệp để cơ sở tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ các thông tin về kế hoạch, chiến lược đổi mới công nghệ, phát triển nhân lực trong từng thời kỳ cho cơ sở GDNN tham khảo...

Bên cạnh đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 diễn ra trong bối cảnh chúng ta chưa có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực giai đoạn mới và giai đoạn suy thoái kinh tế hậu Covid hay biến đổi khí hậu. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp theo hướng tiếp cận thế giới, nhưng việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn nghề nghiệp còn chậm triển khai. GDNN dù có bước phát triển mạnh mẽ nhưng chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh nên tuyển sinh còn khó khăn và vẫn là vùng trũng so với các bậc đào tạo khác. Quy mô, cơ cấu và chất lượng, hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững; đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, chuyển đổi đổi số và tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Đây là thách thức lớn và cơ bản với năng lực dự báo nhu cầu lao động và kỹ năng hiện nay của Việt Nam. Cùng với đó, các dòng dịch vụ đào tạo từ các nước phát triển vào các nước đang phát triển trong đó có Việt nam tạo ra sự cạnh tranh mới trong hệ thống đào tạo của Việt Nam.

Trong vô vàn khó khăn, GDNN vẫn có rất nhiều cơ hội để phát triển. Nếu chuẩn bị tốt thếlực, GDNN hoàn toàn trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và chất lượng cao cho xã hội. Đơn cử, hiện quy mô dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động, đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới. Tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ hiện chỉ đạt khoảng 24,5%, do đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động bị lạc hậu do ảnh hưởng của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 26.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới được coi là sự hậu thuẫn vô cùng thuận lợi cho GDNN phát triển.

Tăng tự chủ cho các cơ sở GDNN

Tại lần tham vấn thứ ba, các nhà khoa học, các nhà quản lý ở các cơ sở GDNN đã tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến, bao gồm: Vấn đề mở, linh hoạt của hệ thống; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững; quản lý, đảm bảo chất lượng GDNN. Trong đó, nội dung tự chủ, đưa doanh nghiệp trở thành một phần của GDNN nhận được nhiều ý kiến tâm huyết.

TS. Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho rằng, nếu tự chủ, hoạt động của cơ sở GDNN sẽ giống như doanh nghiệp. Tức là, họ sẽ được tự quyết định về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế… Và điểm chung giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp là, nếu ký được nhiều đơn hàng hay tuyển sinh được nhiều học viên sẽ giúp doanh nghiệp, cơ sở GDNN sống tốt, sống khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu “đơn hàng” của các cơ sở GDNN bị vượt chỉ tiêu, cơ quan chức năng sẽ lập tức “tuýt còi” theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Điều này là một bất cập cần được tháo gỡ.

“Do đó, cần thiết phải xây dựng một cơ chế sao cho hiệu trưởng có quyền như một giám đốc doanh nghiệp” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang Đặng Thanh Thủy đề xuất.

Vấn đề liên quan đến chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN cũng nhận được nhiều ý kiến. Các đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, chúng ta đang thiếu một đội ngũ thầy cô giỏi cả lý thuyết và thực hành. Vì thế, để đáp ứng được yêu cầu đào tạo cho khoảng 78 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên, trong thời gian từ nay đến 2025, thì chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN phải được đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra, phải có cơ chế về tiền lương, về đào tạo, bồi dưỡng… để thu hút các nhà giáo giỏi ở lại với GDNN. “Muốn làm được điều này, nhất thiết phải tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở GDNN từ thu chi tài chính, mua sắm trang thiết bị giảng dạy học tập đến mở ngành đào tạo trong khuôn khổ luật pháp cho phép… để giúp cơ sở GDNN phát triển đội ngũ nhà giáo của mình theo định hướng phát triển của Nhà trường” - PGS.TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Kỹ thuật Vĩnh Long kiến nghị.

Thái Bình