Lắp camera giám sát

Hướng dẫn cụ thể để thực hiện

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:38 - Chia sẻ
Để hoàn thành việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải xong trước ngày 1.7.2021 theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc các doanh nghiệp tuân thủ quy định, chính cơ quan chức năng cũng cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện.
200.000 xe khách, xe container sẽ phải lắp camera
Nguồn: ITN

80% doanh nghiệp chưa thực hiện

Theo Nghị định số 10/2020 NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, trước ngày 1.7.2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Gần đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đôn đốc thực hiện quy định theo lộ trình quy định tại Nghị định số 10/2020.

Theo đó, việc lắp camera phải bảo đảm có chức năng ghi, lưu trữ theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và bảo đảm các yêu cầu tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3- 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.

Theo Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ước tính có khoảng 200.000 xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera để giám sát lái xe và hành khách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi chỉ còn khoảng chưa đến 2 tháng nữa là đến hạn cuối để xe khách trên 9 chỗ và xe container phải lắp đặt camera giám sát, nhưng ngoài 20% doanh nghiệp đã lắp camera phục vụ nhu cầu quản lý của doanh nghiệp, số còn lại đều chưa thực hiện theo quy định.

Giám đốc doanh nghiệp vận tải Hà Sơn - Hải Vân (tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sapa) Lê Đình Dũng chia sẻ, sau khi tìm hiểu và thử nghiệm lắp camera trên 6 xe khách, hình ảnh vào ban đêm không rõ nét, cũng như không thể xem trực tuyến. Hiện, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 30% số xe và lái xe phải nghỉ luân phiên, nên đơn vị vẫn chưa lắp đặt camera trên xe khách.

Dù đã triển khai lắp một số camera phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, tuy nhiên Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải thương mại Đất Cảng (Hải Phòng) Khúc Hữu Thanh Hải bày tỏ, với số lượng hàng trăm nghìn phương tiện cùng truyền dữ liệu camera về Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì khối lượng dữ liệu là khổng lồ, không dễ lưu trữ hết. Do đó, nếu chưa có nền tảng tốt, không chỉ lãng phí ngân sách mà thực tế có thể chưa thể sử dụng được dữ liệu đó để giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Khoản 6, Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải nếu sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Rà soát các quy định

Việc bắt buộc lắp camera cho xe kinh doanh vận tải là đúng với xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến an toàn của hành khách, trong bối cảnh rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách và container xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua. Thậm chí, việc lắp đặt camera không chỉ là nhu cầu của cơ quan chức năng trong việc nâng tầm quản lý về an toàn đối với các phương tiện này, mà còn phù hợp với cả nhu cầu của chính doanh nghiệp vận tải, khi có không ít doanh nghiệp đã tự động lắp đặt hệ thống camera trên xe khách để phục vụ nhu cầu quản lý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, để hoàn thành theo đúng lộ trình quy định, ngoài mốc thời gian cố định, cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt là trước sự băn khoăn của các doanh nghiệp về tính tương thích của hệ thống tiếp nhận dữ liệu của cơ quan quản lý, cũng như tình hình kinh doanh khó khăn do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chưa kể, đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý vẫn chưa công bố quy chuẩn của hệ thống camera giám sát để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện; cổng tiếp nhận dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa hình thành.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành việc lắp camera trên xe kinh doanh vận tải xong trước ngày 1.7, cùng với việc các doanh nghiệp tuân thủ quy định, chính cơ quan chức năng cũng cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện. Chỉ khi có sự chuẩn bị đầy đủ và cần thiết cả về cơ sở vật chất và hành lang pháp lý, việc triển khai thực hiện, cũng như xử phạt vì mục tiêu nâng cao an toàn giao thông mới thực sự hiệu quả.

Hiểu Lam