Hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19

Hướng dẫn rõ để thống nhất cách làm

- Thứ Năm, 16/09/2021, 20:29 - Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang làm thủ tục để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy vậy, việc triển khai đang gặp nhiều vướng mắc do cách hiểu, cách làm thiếu linh hoạt và thống nhất.
Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều vướng mắc khi làm thủ tục để người lao động được hỗ trợ. Nguồn ITN
Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều vướng mắc khi làm thủ tục để người lao động nhận hỗ trợ.
Nguồn ITN

Còn nhiều vướng mắc

Quyền Giám đốc điều hành Công ty CP Đồng Tiến – Dovitec (KCN Amata Đồng Nai) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết,  doanh nghiệp này đang làm các thủ tục để trình địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 23). Tuy nhiên, hiện công ty đang gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, từ ngày 22.7.2021, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Dovitec với 8.300 người phải áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “tạm dừng hoạt động sản xuất”. Thời điểm đó, Dovitec được các cơ quan chức năng của tỉnh phê duyệt cho 1.187 công nhân được sản xuất “3 tại chỗ”, số lao động còn lại phải nghỉ việc do giãn cách, phong tỏa hoặc không thể thực hiện “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau một thời gian ngắn áp dụng, số lượng công nhân thực hiện “3 tại chỗ” đã giảm xuống còn hơn 500 người. Số lao động còn lại tiếp tục nghỉ việc không hưởng lương do công ty và xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Áp dụng quy định tại Quyết định số 23, Dovitec lập danh sách 7.700 người phải “nghỉ ngừng việc” theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động để công ty trả lương ngừng việc 14 ngày, sau đó do thời gian giãn cách kéo dài thêm 4 lần nên người lao động tiếp tục phải nghỉ việc không hưởng lương. Điều này đã được công ty và người lao động thỏa thuận theo quy định.

Tuy vậy, ông Sơn cho biết, theo hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện được hưởng hỗ trợ cho người lao động bằng chính sách “nghỉ việc không hưởng lương” để có mức hỗ trợ cao hơn (3.710.000 đồng hay 1.855.000 đồng) theo Chương IV của Quyết định số 23. Thay vào đó, công ty chỉ làm thủ tục hỗ trợ người lao động bằng chính sách “lao động ngừng việc” với mức hỗ trợ thấp hơn (chỉ 1.000.000 đồng/người) theo Chương V của Quyết định số 23.

Sở dĩ như vậy vì cơ quan quản lý cho rằng, doanh nghiệp thuộc diện sản xuất “3 tại chỗ” tức là vẫn đang hoạt động sản xuất chứ không phải thuộc diện “tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Vì thế, người lao động vì lý do nào đó không thể thực hiện “3 tại chỗ” cùng doanh nghiệp, phải nghỉ việc không hưởng lương thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc.

“Việc hướng dẫn áp dụng của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai là chưa thỏa đáng, chưa vận dụng đúng tinh thần “hiểu linh hoạt, đơn giản và hiệu quả nhất” trong việc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiêp và người lao động theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội”, đại diện Dovitec cho biết.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) xác nhận, không chỉ Dovitec mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang gặp phải những vướng mắc trên. Nếu không sớm tháo gỡ sẽ khiến doanh nghiệp và người lao động càng thêm khó khăn, doanh nghiệp khó giữ chân người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện phương án "3 tại chỗ". Ảnh: VNE
Công nhân nhà máy dệt may Thành Công sản xuất khi thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Ảnh: VNE

Tạo điều kiện để hỗ trợ diện “nghỉ việc không hưởng lương”

Từ thực tế hiện nay, đại diện các doanh nghiệp trong ngành dệt may cho rằng, trước tiên, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động được hưởng chính sách ở diện “nghỉ việc không hưởng lương” thay vì “lao động ngừng việc”. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp dệt may giữ chân lao động.

Phân tích rõ hơn điều này, đại diện doanh nghiệp cho rằng, ngành dệt may vốn đông lao động, chủ yếu giải quyết an sinh xã hội với hàng nghìn việc làm. Khi gặp dịch Covid-19, ngoại trừ một số doanh nghiệp sử dụng máy móc thiết bị là chính, ít lao động mới có thể tổ chức hoàn toàn “3 tại chỗ”, còn lại phần lớn doanh nghiệp dệt may chỉ có thể áp dụng một phần, số lao động còn lại sẽ phải tạm nghỉ việc.

Thời gian qua, 19 tỉnh, thành phía Nam đều thực hiện giãn cách xã hội nên doanh nghiệp không đáp ứng “3 tại chỗ” đều có cơ sở để coi là “tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh”. Các địa phương không có quyết định riêng cho từng doanh nghiệp nào phải tạm dừng hoạt động. Do đó, việc cơ quan lao động yêu cầu phải có quyết định riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho doanh nghiệp “tạm dừng hoạt động” là bất khả thi.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp áp dụng chính sách “trả lương ngừng việc” theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động là hợp lý vì đây là chế độ đã được quy định rõ, buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi có điều kiện “nghỉ ngừng việc” xảy ra. Tuy nhiên, sau đó việc “nghỉ ngừng việc” kéo dài để phòng chống dịch thì phải chuyển qua chế độ “nghỉ việc không hưởng lương” hoặc “tạm hoãn hợp đồng lao động” – điều này hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành. Do đó, không thể lý giải là do doanh nghiệp đã trả “lương ngừng việc” thì người lao động chỉ hưởng chính sách hỗ trợ “lao động ngừng việc” theo Quyết định số 23.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp dệt may, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, trong khi người lao động không có hợp đồng làm việc mà xã hội và Nhà nước vẫn quan tâm hỗ trợ, còn những lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có tham gia bảo hiểm xã hội cũng như đóng góp lớn cho ngành kinh tế mà không được xét hỗ trợ ở mức cao là không công bằng, bất hợp lý trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Minh Châu