Chuyển đổi số ngành thư viện

Hướng đến công dân số, kinh tế số, xã hội số

- Thứ Tư, 29/09/2021, 06:42 - Chia sẻ
Khẳng định chuyển đổi số ngành thư viện là ưu việt, song theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch TRỊNH THỊ THỦY, quá trình này cần có thời gian. Bởi lẽ, vấn đề hiện đại hóa hệ thống thư viện, tạo sự liên thông liên kết giữa các thư viện đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số ngành thư viện sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Yếu tố con người quyết định

- Khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, cụm từ “chuyển đổi số” và “số hóa” được nhắc đến nhiều trên các lĩnh vực đời sống, tuy nhiên vẫn có nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, thưa bà?

- Số hóa và chuyển đổi số về cơ bản có điểm giống nhưng hoàn toàn khác nhau. Số hóa (digitization) muốn nhắc đến một công đoạn, hay một hoạt động nhất định, nhằm chuyển đổi thông tin trên giấy hay trên một dạng vật chất nhất định, thủ công thành dạng kỹ thuật số. Trong khi đó, chuyển đổi số (digital transformation) là sự chuyển đổi quy trình, phương thức vận hành của một tổ chức, các sản phẩm, dịch vụ tạo ra, các giá trị cung ứng cho xã hội từ hình thức, phương thức thủ công, vật chất chuyển sang dạng số.

Để thực hiện chuyển đổi số thành công, quan trọng nhất là yếu tố con người.

- Như thế, số hóa là một trong những công đoạn chuyển đổi số?

- Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Vì vậy, có thể hiểu, số hóa là một phần, một khâu trong những hoạt động nghiệp vụ của quá trình chuyển đổi số. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, việc tạo nền tảng từ số hóa là vô cùng quan trọng.

Đổi mới sáng tạo là then chốt

- Từ sự khác nhau giữa yếu tố con người và giá trị bền vững như đã nói ở trên, xin bà cho biết bản chất chuyển đổi số ngành thư viện là gì?

- Tin học hóa, tự động hóa, số hóa trong hoạt động thư viện với sự xuất hiện của thư viện điện tử, thư viện số, cùng nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện hiện đại đã được chú trọng triển khai và là định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nhiều năm qua. Những nội dung này đều đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về thư viện.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, bản chất của chuyển đổi số ngành thư viện được xác định ở một số khía cạnh. Đó là sự thay đổi trong phương thức vận hành, cách thức tổ chức và hoạt đông của thư viện từ thư viện truyền thống sang thư viện số; sự ứng dụng các thành tựu khoa học vào hoạt động của thư viện; đặc biệt, nhấn mạnh tính liên kết trong hệ thống thư viện với nền tảng công nghệ số. Có thể kỳ vọng đó là sự chuyển mình mạnh mẽ trong hệ thống thư viện với hoạt động đổi mới sáng tạo là then chốt.

Hơn nữa, giá trị sản phẩm và dịch vụ thư viện cung ứng cho người sử dụng chính là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, quyền học tập của người dân thông qua môi trường số, không giới hạn về không gian và khoảng cách.

- Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, khi các thư viện phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp, chuyển đổi số đã thể hiện tính ưu việt như thế nào?

- Đặt trong bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19, chuyển đổi số ngành thư viện được nhấn mạnh trong những định hướng, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đổi mới hoạt động thư viện, hướng đến cung ứng dịch vụ thư viện thông qua không gian mạng phục vụ người sử dụng. Trên thực tế, mô hình này đang được triển khai khá tốt ở nhiều địa phương.

Tuy vậy, để khẳng định là ưu việt cũng phải có thời gian, bởi lẽ vấn đề hiện đại hóa hệ thống thư viện, tạo sự liên thông liên kết giữa các thư viện mới được triển khai trong những năm qua cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Gắn kết, liên thông hệ thống thư viện

- Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23.7.2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kế hoạch triển khai "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thể hiện kịp thời, đúng đắn sự cần thiết phải chuyển đổi số ngành thư viện, cụ thể công việc này sẽ được thực hiện theo lộ trình nào, thưa bà?

- Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, thiết lập những nền tảng ban đầu cho vấn đề chuyển đổi số, bao gồm: Nền tảng pháp lý, nền tảng kỹ thuật, công nghệ, nền tảng về nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số; xây dựng năng lực thông tin, năng lực số cho người sử dụng, bước đầu xác định các tiêu chuẩn, chuẩn mực trong cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho người sử dụng trong môi trường số.

Chuyển đổi số thư viện bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ thư viện cho người dùng mọi lúc, mọi nơi

Nguồn: ITN 

Đi kèm theo đó là thúc đẩy đổi mới hoạt động thư viện gắn với truyền thông cho hoạt động chuyển đổi số cùng với những chương trình, đề án khác mà ngành thư viện đang triển khai như: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện hướng đến xây dựng xã hội học tập.

Giai đoạn tiếp theo (2026 - 2030), hướng đến phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin cùng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong đổi mới quy trình, cách thức vận hành của thư viện, gắn kết, tạo sự liên kết, liên thông trong hoạt động thư viện. Phát triển hệ thống dữ liệu, phát triển sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, trong đó chú trọng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu các sản phẩm chủ lực ngành thư viện phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ cùng xu thế phát triển của thư viện thế giới.

- Từ xu thế chung của thư viện thế giới, bà có thể cho biết mục tiêu, định hướng chuyển đổi số ngành thư viện tại Việt Nam những năm tiếp theo?

- Mục tiêu trọng tâm của chuyển đổi số ngành thư viện là đổi mới hoạt động thư viện gắn với đổi mới các giá trị mà thư viện mang lại cho người dân trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cùng sự biến đổi và phát triển không ngừng kinh tế - xã hội đất nước.

Ngoài ra, còn có những mục tiêu và định hướng, như tôi đã tóm lược cụ thể từ kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu. Trong đó, tôi nhấn mạnh, chuyển đổi số ngành thư viện gắn với chương trình chuyển đổi số của Chính phủ hướng đến công dân số, kinh tế số, xã hội số.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Sen thực hiện