Bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh:

Hướng đến mô hình tòa án điện tử ở tương lai gần

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:10 - Chia sẻ
Qua kinh nghiệm của các nước, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong xét xử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, tổ chức phiên tòa điện tử còn giúp bảo đảm không tập trung đông tại một phòng xử án, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Chính vì thế, nhiều ý kiến khẳng định, tòa án điện tử phải là mô hình hướng đến ở tương lai gần.

Mới cho phép gửi đơn khởi kiện trực tuyến

Việc sử dụng công nghệ là nền tảng trong mục tiêu phát triển nền tư pháp thế giới; đồng thời, cũng phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay. Đây là khẳng định của các đại biểu tham dự Hội thảo Phân tích so sánh cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương tổ chức. 

Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: Hoàng Ngọc

Theo Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, từ câu chuyện “mua Iphone nhận cục gạch”, đã đặt ra yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại điện tử, nhất là khi có nhiều giao dịch trên môi trường mạng, các sàn giao dịch thương mại điện tử càng đòi hỏi phải có tòa án điện tử giải quyết tranh chấp ngắn gọn, dễ dàng, thay vì đưa ra tòa án các cấp với nhiều thủ tục khác nhau, có thời gian giải quyết mất hàng tháng, hoặc hàng năm trời thì không khả thi. Được biết, một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc đã có tòa án thương mại trên internet. Với nước ta, phải chăng cũng cần hướng đến mô hình tòa án điện tử, tòa án vận hành theo cách thức cuộc sống?

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự Nguyễn Hữu Quang cũng cho biết, ở nước ta xét xử theo mô hình tòa án điện tử còn rất mới. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nước ta mới chỉ cho phép gửi đơn kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của tòa án, ngoài phương thức nộp trực tiếp tại tòa án theo đường dịch vụ bưu chính thông thường.

Trên cơ sở quy định mới này, Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP năm 2016 để hướng dẫn về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Theo Nghị quyết này, người nộp đơn khởi kiện phải đáp ứng được các điều kiện sau khi nộp đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến. Cụ thể, có địa chỉ thư điện tử để gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử đến và đi từ Cổng thông tin điện tử của tòa án. Có chữ ký điện tử được chứng thực bằng chứng thư điện tử đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, công nhận. Đã đăng ký tài khoản giao dịch điện tử theo thủ tục đăng ký gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử với tòa án.

Ngay sau đó, tháng 10.2018, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chính thức đưa vào vận hành thí điểm hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận đơn kiện thông qua phương tiện điện tử tại 4 tòa án, bao gồm: Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai thí điểm này chưa đạt như kỳ vọng. Số lượng đơn khởi kiện nộp theo phương thức điện tử còn rất hạn chế.   

Giảm thủ tục, chi phí không cần thiết

Qua tham khảo kinh nghiệm các nước như Singapore, các đại biểu cho biết, nhiều thủ tục tố tụng đã được thực hiện trực tuyến. Các bên nộp tài liệu khởi kiện và các đơn từ phát sinh từ vụ kiện thông qua nhiều hệ thống khác nhau được thiết kế cho các tòa án riêng biệt như đơn khởi kiện tại tòa án tối cao và tòa án quốc gia; Đơn khởi kiện tại phương thức tòa án tự động cho yêu cầu khởi kiện có giá trị nhỏ… Các luật sư có thể trình bày vụ kiện của mình thông qua Skype hoặc Zoom thay vì đích thân đến tòa đối với phiên điều trần của một số vụ kiện. Tại các phương thức tòa án tự động cho yêu cầu khởi kiện có giá trị nhỏ và tòa án tự động về lao động, hai bên có thể thương lượng và hòa giải trực tiếp nếu cả hai bên yêu cầu.

Tại Cộng hòa Liên bang Đức, Luật sư Nguyễn Hữu Quang nêu rõ, bắt đầu từ năm 2001, Tòa án ở quốc gia này đã cho phép các đơn khởi kiện, hoặc một số văn bản khác được gửi bản điện tử tới tòa án trong một số thủ tục nhất định như thủ tục có liên quan đến sở hữu trí tuệ, cạnh tranh… nhằm thúc đẩy quá trình giao tiếp pháp lý điện tử của người dân và tòa án. Đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, bảo mật thông tin trong hồ sơ vụ án. Những năm gần đây, hệ thống tòa án tại Đức lại tiếp tục cải thiện hệ thống công nghệ thông tin để tiếp nhận được đơn và các tài liệu gửi tới tòa án bằng phương thức trực tuyến.

Là một trong những quốc gia tiên phong trong việc tổ chức tòa án điện tử, tính đến năm 2020, tòa án điện tử của Thái Lan phát triển các dịch vụ như: Nộp đơn điện tử đối với các trường hợp khiếu nại và kiến nghị; người tham dự phiên tòa được nhận thông cáo online trong việc cung cấp tài liệu và lịch xét xử; thanh toán điện tử đối với các khoản phí tại phiên tòa; người dân có thể theo dõi tiến độ phiên tòa trên hệ thống tòa án điện tử mà không cần đăng ký thành viên; tổ chức phòng xử án ảo đối với các phiên hòa giải, việc kiểm tra nhân chứng cũng như các thủ tục tố tụng khác của tòa án.

Nhiều đại biểu đánh giá, tổ chức phiên tòa điện tử còn góp phần bảo đảm an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cũng như hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển xa. Người tiến hành tố tụng không bị hành hung hay phát sinh các vấn đề khác từ các đương sự thiếu kiềm chế trong phòng xử cũng như trên đường di chuyển. Người tham gia tố tụng, tham gia phiên tòa qua đó cũng được tạo điều kiện để di chuyển thuận tiện hơn, hạn chế việc vắng mặt, đến phiên xử trễ. Các phiên tòa điện tử được tự động ghi âm, ghi hình lại và lưu trữ tại điểm cầu trung tâm làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm… Các thẩm phán, bất kể ở khu vực địa lý nào, đều có thể được hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn; đặc biệt còn phù hợp với xét xử các giao dịch thương mại điện tử trên mạng.

Một ưu điểm nữa là, đông đảo người dân quan tâm đến vụ kiện có thể theo dõi quá trình xét xử, không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân. Do vậy, các đại biểu khẳng định, Tòa án điện tử là mô hình cần tiến đến ở tương lai gần. Mô hình này cũng phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong xét xử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, việc thực hiện tòa án điện tử, tổ chức phiên tòa điện tử còn giúp bảo đảm không tập trung đông tại một phòng xử án, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Anh Thảo