Giáo dục linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh Covid-19

Hướng đến “nhà trường bình thường mới" tốt hơn

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:15 - Chia sẻ
Dịch bệnh Covid-19 đặt ra không ít khó khăn, thách thức, song đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục chuyển đổi số. Khi dịch bệnh được khống chế, các nhà trường sẽ có được phương thức hoạt động mới, phi truyền thống, hiệu quả cao và thích ứng với thời đại.

GS. TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội:

Dịch bệnh xảy ra trong bối cảnh kỷ nguyên số đã dẫn tới những thay đổi trong cách thích ứng, vận hành, quản trị xã hội. Để ứng phó với đại dịch, ngành giáo dục phải có những giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế cũng như với xu thế phát triển của thời đại chuyển đổi số.

Trong đó, ngành giáo dục cần hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến chính sách đặc thù của ngành. Đặc biệt, cần khẳng định và thừa nhận chính thức hình thức dạy - học trực tuyến và các kết quả của quá trình dạy - học trực tuyến là hình thức, kết quả của đào tạo chính thống, có sự ổn định, chất lượng, lâu dài, bởi hiện nay tâm lý cho rằng việc dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, là hình thức bổ sung trong thời gian dịch bệnh diễn ra là tâm lý chung của hầu như mọi thành phần xã hội. Do đó, cần có góc nhìn cởi mở và thực tế hơn, không chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra thì việc chuyển đổi số trong giáo dục mới bắt đầu, mà đây đã và đang là xu thế phát triển trong xã hội hiện đại. Dịch bệnh chỉ là bối cảnh để quá trình này phải đẩy nhanh hơn. Vì thế, cần có sự định hướng đúng từ những chính sách của Đảng, Nhà nước để việc triển khai thuận lợi hơn và kết quả của quá trình dạy - học trong bối cảnh mới được ghi nhận một cách chính xác, xứng đáng hơn.

Cùng với đó, chú trọng tăng cường nhận thức và kỹ năng cho cả hai nhóm đối tượng là giáo viên và phụ huynh. Không chỉ người học cần thích nghi mà cả đội ngũ giáo viên và phụ huynh cũng cần rèn luyện các kỹ năng buộc phải có trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cần nhận thức và chấp nhận rằng việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ là một quá trình dài lâu và ổn định.

TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội):

Đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà trường, thầy cô đến với quá trình chuyển đổi số toàn diện, một xu hướng tất yếu của xã hội, tạo ra một phương thức học tập mới mà mọi người đều biết, đều có khả năng thực hành và vận dụng sáng tạo, đó là dạy học trực tuyến, dạy học kết hợp nhuần nhuyễn giữa dạy học truyền thống là trực tiếp với dạy học trực tuyến... Từ đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, không chỉ nhà trường sẽ có một phương thức hoạt động mới phi truyền thống, hiệu quả cao và thích ứng với thời đại. Chính vì vậy, để thực hiện chuyển đổi số trong trường học, xây dựng trường học thông minh, ngành giáo dục cần coi đây là một biện pháp cốt yếu không thể thiếu trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này hoàn toàn có thể làm được và làm tốt.

TS. Lê Thống Nhất, Nhà sáng lập Trường học trực tuyến BigSchool:

Những việc cần làm là xây dựng kho dữ liệu một cách bài bản, chuẩn hóa kho dữ liệu (dữ liệu e-learning, tài liệu sách giáo khoa sách tham khảo điện tử, dữ liệu ngân hàng kiểm tra đánh giá, dữ liệu giúp giáo viên thiết kế bài giảng trên lớp hoặc dạy học trực tuyến). Cùng với đó, xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình từ nguồn lực của các địa phương. Mặc dù học trên truyền hình độ tương tác không cao nhưng là hướng khắc phục đúng đắn thời gian qua khi điều kiện về internet và thiết bị học trực tuyến chưa đáp ứng kịp.

Hy vọng từ những kinh nghiệm chỉ đạo dạy và học trong đại dịch, ngành giáo dục sẽ làm rõ lộ trình chuyển đổi số trong những năm tới.

Cẩm Vân ghi