Hướng tầm nhìn xa hơn

- Thứ Hai, 08/11/2021, 05:21 - Chia sẻ
Tầm nhìn và mục tiêu lớn nhất của tỉnh Hải Dương là phát triển bứt phá, vươn lên tốp đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025... để tạo ra diện mạo mới, tầm vóc và vị thế mới. Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương TRIỆU THẾ HÙNG với Báo Đại biểu Nhân dân.

Khơi dậy khát vọng phát triển

- Thưa ông, năm vừa qua là năm có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những dấu ấn mà Hải Dương đã đạt được? 

- Có thể nói, năm qua là một năm vô vàn khó khăn của đất nước, trong đó có tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, quyết liệt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung sức, đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hải Dương đã vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 và giành được những kết quả quan trọng trên hầu hết lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng bình quân 8,1%/năm; quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 gấp 1,6 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 68,9 triệu đồng (tương đương khoảng 3.020 USD); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,4%/năm; quy mô ngành công nghiệp năm 2020 gấp 2,0 lần năm 2015. 

Nổi bật là một số sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực sản xuất ổn định và tăng khá cao. Bước đầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, Hải Dương có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ; có 38 cụm công nghiệp được thành lập; 8 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tiếp tục có bước phát triển về chiều sâu, sản phẩm khá đa dạng.

Công tác thu, chi ngân sách được thực hiện tốt, từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có một phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, cơ bản toàn bộ các xã và các đơn vị cấp huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nâng cấp và đẩy mạnh phát triển các đô thị động lực của tỉnh (Hải Dương, Chí Linh, Kinh Môn).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tuy tăng trưởng khá nhưng còn thiếu bền vững; việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét; môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn vào địa bàn tỉnh; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả chưa cao. 

- Như ông đã nói, kinh tế ở Hải Dương tăng trưởng khá nhưng còn thiếu bền vững, vậy chiến lược phát triển kinh tế, phương châm hành động của Hải Dương trong hành trình trước mắt và những năm kế tiếp là gì? 

- Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu rất cao là đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để có bước phát triển bứt phá và mạnh mẽ. 

Chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh tới năm 2030 sẽ là:

Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển. Bốn trụ cột gồm có công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, đáng sống, trong đó lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị. Ba nền tảng gồm văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương; ba đô thị động lực là TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn, thị xã Bình Giang; ba trục phát triển theo trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, trục dọc theo sông Thái Bình.

“Phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân”; “Chủ động, Sáng tạo, Quyết liệt, Hiệu quả” và “Năm rõ” (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) là triết lý, phương châm hành động của Hải Dương trong phát triển kinh tế, xã hội. 

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã xác một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD), năm 2030 đạt 200 triệu đồng (tương đương 7.700 USD). Thu nhập thực tế bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng, đến năm 2030 đạt 140 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 là nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8%, công nghiệp - xây dựng 61,5%, dịch vụ 30,5%; đến năm 2030 là 6% - 63,8% - 30,2%... 

Tạo giá trị khác biệt

- Để Hải Dương có được tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới, với mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, còn không ít việc cần làm, thưa ông? 

- Đúng vậy, để có thể đạt được mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã đề ra, trước hết, cần xác định 3 khâu đột phá là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. 

Thứ hai, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. 

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

- Trên bước đường phát triển có rất nhiều cơ hội và không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, để mục tiêu phát triển trở thành hiện thực, Hải Dương sẽ tập trung ưu tiên những nhiệm vụ gì? 

Trước tiên, quyết liệt hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh trong năm 2021, xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng số 1. Quy hoạch có tính tổng thể, toàn diện, bao quát, liên thông, có tính định hướng dài hạn, góp phần hiện thực hóa những khát vọng phát triển mạnh mẽ, đột phá của tỉnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Đổi mới tư duy trong lập quy hoạch, không cát cứ, cục bộ địa phương mà lồng ghép các quy hoạch với nhau. Công tác quy hoạch mang tính chiến lược để bảo đảm có sức sống dài hạn và hiệu quả cho phát triển của tỉnh. 

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao thứ bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, trong đó xác định mục tiêu phải cải thiện một số chỉ tiêu thành phần hiện đang ở mức thấp. Trong đó, thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến, giới thiệu đầu tư; ban hành Danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh năm 2021 và định hướng đến năm 2025, quy định về khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới. 

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thúy thực hiện