Nhịp cầu

Hướng tới giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

- Thứ Tư, 20/01/2021, 07:02 - Chia sẻ

Giai đoạn 2016 - 2020, bằng việc lồng ghép tốt nguồn vốn Chương trình nông thôn mới, vốn các chương trình mục tiêu và các nguồn huy động hợp pháp khác, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi của tỉnh Phú Yên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 5% (toàn tỉnh 2,3%), riêng vùng đồng bào DTTS giảm từ 5 - 6%. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội, thu nhập bình quân của hộ nghèo trong vùng tăng lên 2 lần so với đầu năm 2016. Kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn thiện.

Bên cạnh những kết quả tích cực, một số cơ chế chính sách chưa thật sự phù hợp với thực tế nên một bộ phận hộ nghèo đã và đang có tư tưởng ỷ lại, ngại lao động sản xuất, chưa tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nguồn huy động trong cộng đồng dân cư và vốn đối ứng của đối tượng thụ hưởng chính sách còn hạn chế; định mức vốn hỗ trợ cho các tiểu dự án phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng còn thấp so với nhu cầu thực tế. Chưa có cơ chế đặc thù thu hút, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp cho địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả ở một số địa phương còn lúng túng, chưa mang hiệu quả cao. Đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS tuy có cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo DTTS tuy có giảm hàng năm nhưng vẫn còn ở mức cao, giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn lớn.

Từ thực tế trên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phú Yên, các chương trình, dự án đầu tư, triển khai trên vùng đồng bào DTTS, miền núi cần theo hướng tập trung, hạn chế đầu tư dàn trải; cần hỗ trợ có điều kiện cho hộ nghèo với những nội dung cụ thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống chính sách đối với vùng DTTS, miền núi mang tính ổn định, lâu dài, tác động trực tiếp đến mục tiêu giảm nghèo, hạn chế những chính sách hỗ trợ ngắn hạn, nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả giảm nghèo thấp. Đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện, thu gọn đầu tư mới, bảo đảm nguyên tắc một nhóm hoạt động chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng cơ chế lồng ghép vốn giữa Chương trình giảm nghèo với các chương trình khác có cùng mục tiêu. Hàng năm, phân bổ kịp thời vốn Chương trình cho các huyện, thị xã; đồng thời, có cơ chế đặc thù đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực điều hành, quản lý các công trình, dự án cho đội ngũ cán bộ cấp xã, đặc biệt là khi xã được phân cấp làm chủ đầu tư. Quan tâm hơn nữa đến việc bàn giao, quản lý, khai thác, bảo quản công trình khi đưa vào sử dụng.

TUY AN