Hướng tới hình thành thị trường các bon trong nước và quốc tế

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 05:39 - Chia sẻ

Ngày 22.10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk ký kết Thỏa thuận

Phát biểu tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, đây là dấu mốc quan trọng, các bên cam kết thực thi chi trả giảm phát thải CO2 dựa vào kết quả, như một mô hình hợp tác quốc tế thí điểm, trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam và khuôn khổ FCPF và sự điều phối của Ngân hàng thế giới (WB). Đồng thời, việc thực hiện ERPA sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cả về kinh tế - xã hội - môi trường, FCPF sẽ chi trả 51,5 triệu USD cho thành quả đạt được cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2024, với mức chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải. Đây là nguồn tài chính mới để tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, người dân nông thôn; đồng thời hướng tới hình thành thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ giao Tổng cục Lâm nghiệp là đầu mối phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết tại ERPA, trong đó khẩn trương hoàn thành một số công việc như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thí điểm chuyển quyền/chuyển nhượng kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ và cơ chế quản lý tài chính từ nguồn thu ERPA; xây dựng cơ chế báo cáo kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ để tiếp nhận, chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải theo 3 giai đoạn: 2018 - 2019; 2020 - 2022 và 2023 - 2024; tổ chức quản lý, thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu từ kết quả giảm phát thải.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, thỏa thuận có quy mô lớn này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững. Nguồn tài chính nhận được sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Bà Carolyn Turk nhấn mạnh, để ký được thỏa thuận có nguồn tài chính lớn này, Việt Nam đã phải đáp ứng được nhiều yêu cầu có kỹ thuật cao của quốc tế về năng lực đo lường, báo cáo về lượng phát thải theo chuẩn mực quốc tế, cũng như khả năng phân phối, chi trả các khoản  tài chính cho các địa phương được hưởng lợi.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Các Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu. Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỷ USD. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nỗ lực bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn và tái tạo rừng với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững trên trái đất mà Việt Nam là quốc gia đi đầu.

Minh Hương