Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao

- Thứ Tư, 21/07/2021, 06:52 - Chia sẻ
Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025", Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn...

Từng bước chuyển đổi

Trước tình hình, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận ngành nông nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng 3.82%, riêng nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 3.9%. Xuất khẩu nông sản đạt 24.23 tỷ USD, tăng 28.2% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế nội ngành đã có bước chuyển tích cực theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.

	Mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng trong hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô (Nguồn ITN)
Mở rộng thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng trong hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô
Nguồn: ITN

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha. Cùng với đó là mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; hoa, cây cảnh từ 8.500ha lên 9.000ha. Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150-160 nghìn con, đàn lợn lên 1,8-2 triệu con...; đồng thời trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương. Thành phố cũng sẽ chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá, bảo đảm diện tích chăn nuôi thủy sản từ 24.000ha đến 25.000ha, trong đó diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như trắm đen, cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh… 

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô đang được thực hiện đồng bộ, từng bước, chuyển từ phát triển chiều rộng lấy sản lượng làm mục tiêu sang chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn hơn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp nhiều khó khăn bởi kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chất lượng nông sản chưa thật sự cao, vấn đề nhân lực, quy hoạch và liên kết doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Ngành nông nghiệp Thủ đô cần thúc đẩy cơ chế chính sách tích tụ đất đai cho nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến,…

Mở rộng thị trường

Quá trình liên kết các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn tới tay người tiêu dùng được xem là yếu tố quan trọng trong hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô. Riêng Hà Nội hiện nay đã có 1.054 sản phẩm đa dạng về chủng loại, mang đặc trưng, thế mạnh riêng có của từng quận, huyện, thị xã và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định. Tiêu biểu như: Gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), miến làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai), gạo hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ), vải dệt từ tơ sen (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức)...

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2021, thành phố tiếp tục vận động, hướng dẫn các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng mã QR… để có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, chinh phục người tiêu dùng Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối thông tin sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở Công Thương và Sở NN-PTNT Hà Nội đã tổng hợp danh sách hơn 1.800 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố, gửi đến các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, các siêu thị, chuỗi cửa hàng của Hà Nội và các địa phương để tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm...

Dự kiến năm 2021, Hà Nội sẽ khai trương thêm 30 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã. “Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

Bên cạnh việc thúc đẩy tìm kiếm, xúc tiến thương mại, thiết lập thị trường tiêu thụ, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng nông sản; đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao năng lực liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, liên kết vùng và quản lý rủi ro; phát triển dịch vụ nông nghiệp; cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo về thời tiết…

Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa gắn với phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân là hướng đi tất yếu, thật sự là điều kiện bảo đảm cho nông nghiệp Thủ đô tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

Anh Lương