Hướng tới tăng trưởng cao trong dài hạn

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 07:15 - Chia sẻ
"Trước mắt, cần tập trung khống chế dịch bệnh, mở rộng quy mô tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân và giữ vững các chỉ số cân đối kinh tế vĩ mô. Đây sẽ là nền tảng cho mức tăng trưởng GDP cao trong năm tới và những năm tiếp theo", TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đề xuất.

Những dự báo lạc quan 

Bất chấp GDP quý I của Việt Nam khả năng chỉ đạt 4,48% và làn sóng Covid-19 một lần nữa bùng phát trên diện rộng, các tổ chức nước ngoài vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nước ta với con số dự báo lên tới 6,6 - 7,6%. 

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Cụ thể, Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics công bố ngày 7.6 vừa qua dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,6% trong năm nay, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 8.6 nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất được tổ chức này dự báo cho các nước Đông Nam Á.

Lý giải cho dự đoán nêu trên, các nghiên cứu cho rằng Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 nhờ thành công trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, nền kinh tế được hưởng lợi từ sự gia tăng hoạt động kinh doanh toàn cầu và nhận đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy các ngành công nghiệp chế tạo và xuất khẩu phát triển.

Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I.2021.

Ở thời điểm này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% năm 2021 là một động lực. Theo ông, sự hồi phục của kinh tế toàn cầu tác động rất nhiều đến cầu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cho đến nay, về cơ bản các chỉ số cân đối quy mô lớn của Việt Nam vẫn được duy trì. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn vững vàng, thể hiện qua số vốn FDI vào Việt Nam 5 tháng đầu năm vẫn đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở trong nước, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn ở tốc độ tăng khá tích cực với gần 55,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng phần nào phản ánh lòng tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam và một số chỉ số tăng trưởng tín dụng cũng rất khả quan cho thấy, các doanh nghiệp đã bắt đầu vay vốn trở lại để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập trung khống chế dịch

Tuy vậy, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đã đặt ra, 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng trên 7%. Đây là con số rất áp lực trong bối cảnh dịch Covid- 19 vẫn phức tạp và nguồn cung vaccine vẫn hạn chế.

TS. Lê Duy Bình cho rằng thách thức lớn nhất vẫn là việc có thể khống chế được dịch bệnh hay không, đặc biệt là việc phòng, chống dịch ở những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trung tâm về sản xuất công nghiệp của cả nước như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang,… Nếu khống chế được dịch bệnh thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng trung bình khá. "Trước mắt, cần tập trung khống chế dịch bệnh, mở rộng quy mô tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân và giữ vững các chỉ số cân đối kinh tế vĩ mô. Đây sẽ là nền tảng cho mức tăng trưởng GDP cao trong năm tới và những năm tiếp theo", ông Bình đề xuất.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện không còn đủ “sức khỏe” để chống chọi sau bốn đợt bùng phát dịch. 5 tháng đầu năm có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Nếu Nhà nước không hỗ trợ kịp thời, con số này có thể tăng trong thời gian tới. "Trụ cột chống đỡ của nền kinh tế là các doanh nghiệp, khi trụ cột này lung lay nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, khi doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tệ hơn là phá sản thì nguồn thu thuế của Chính phủ sẽ rất hạn chế, tác động trực tiếp đến nguồn ngân sách quốc gia. Trong khi đó, những chương trình về an sinh xã hội của Chính phủ sẽ phải tăng chi phí", vị chuyên gia này lo lắng.

Trước thực tế này, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là với người lao động trong khu công nghiệp, nhà máy để các doanh nghiệp bảo đảm tiến độ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, vẫn phải tập trung có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2020, Chính phủ có gói hỗ trợ 300 nghìn tỷ đồng nhưng rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được. Năm nay Chính phủ cần triển khai thêm các gói “tiếp sức” cụ thể và hiệu quả hơn để giải cứu doanh nghiệp, ví dụ có thể triển khai hình thức tổ hợp tín dụng.

Theo đó, các ngân hàng đều phải tham gia tổ hợp với 3% tổng dư nợ. Như vậy hạn mức cho cả gói của tổ hợp tín dụng sẽ khoảng 300 nghìn tỷ đồng, dành để cho doanh nghiệp vay trong 5 năm với lãi suất từ 3 - 5%/năm và vay theo hình thức tín chấp. Để bảo đảm an toàn cho ngân hàng, Chính phủ lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương 10% tổ hợp tín dụng). Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp vay vốn, giúp các doanh nghiệp còn đủ sức tồn tại, có thể phục hồi sau dịch bệnh và có thể đóng góp được cho đất nước.

Minh Trang