Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Huy động hợp lý mọi nguồn lực

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 07:02 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với nguyên tắc phân bổ vốn là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ cần có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện chương trình.

Phương án chắc chắn, khả thi

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 39.632 tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Thảo luận tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, dự kiến thu ngân sách nhà nước khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến, trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác (như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, quốc phòng, an ninh…). Do vậy, việc ngân sách trung ương dành mức tối thiểu 39.632 tỷ đồng để đầu tư cho Chương trình là phương án chắc chắn và khả thi, phù hợp với điều kiện hiện nay. Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Trong nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, Nghị quyết của Quốc hội xác định quan điểm: Ưu tiên nguồn lực cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí. Đồng thời, hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững ưu tiên bố trí vốn thanh toán các nội dung nợ tiêu chí; hoàn thành dứt điểm các nội dung dở dang của giai đoạn 2016 - 2020; số vốn còn lại thực hiện các nội dung mới, trong đó, ưu tiên bố trí hoàn thành các tiêu chí về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân và cần có thuyết minh chi tiết nội dung, kế hoạch vốn cụ thể làm căn cứ xem xét, quyết định.

Về cơ cấu vốn đầu tư cho Chương trình, Tờ trình của Chính phủ đề xuất, ngân sách Trung ương chiếm 1,6%, vốn ngân sách địa phương chiếm 6,4%, vốn lồng ghép 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác chiếm 9%, vốn tín dụng chiếm 73% (khoảng 1,79 triệu tỷ đồng), vốn doanh nghiệp chiếm 4,3% (khoảng 105.500 tỷ đồng); huy động đóng góp tự nguyện của người dân chiếm 5,7% (khoảng 139.300 tỷ đồng).

Qua các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về nội dung này, một số ĐBQH đề nghị, Chính phủ làm rõ cơ sở xác định nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình, vì rằng nguồn vốn này chiếm tỷ trọng rất lớn trên tổng nguồn lực huy động. Cùng với đó, cần làm rõ mối quan hệ với tổng dư nợ vay, khả năng đáp ứng trong ngắn hạn và trung hạn của hệ thống ngân hàng cũng như tính khả thi về khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở tính toán của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định bằng dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã của toàn quốc. Trong giai đoạn 2016 - 2020, dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ bình quân đạt 17,91%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế (14,62%). Tính đến ngày 31.12.2020, dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Do đó, việc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng các xã giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7% với dư nợ đến cuối năm 2025 đạt 1,79 triệu tỷ đồng là khả thi.

Đồng bộ giải pháp về huy động vốn

Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, nhiều ĐBQH đề nghị, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần có giải pháp huy động nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và sự tham gia của người dân. Việc huy động đóng góp tự nguyện của người dân để đầu tư cho chương trình nhằm phát huy vai trò, sự tham gia của người dân - chủ thể của xây dựng nông thôn mới - vào thực hiện Chương trình. Mặc dù vậy, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và dự báo trong 5 năm tới sẽ tiếp tục khó khăn, mức huy động đóng góp cần được tính toán để bảo đảm không tạo gánh nặng, áp lực cho người dân.

Tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, sự tham gia đóng góp tích cực của người dân là rất lớn, góp phần quan trọng vào hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, một trong những khó khăn từ thực tế là thiếu hành lang pháp lý cho việc làm này. ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho biết, quy định của Chương trình là huy động sức dân phải bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhưng hình thức để người dân thực hiện quyền làm chủ như thế nào? Việc thể hiện nguyện vọng tự nguyện của người dân cũng còn khá vướng. Nếu không có hành lang pháp lý đầy đủ sẽ dễ dẫn đến vi phạm trong việc huy động sức dân và thực tế đã có trường hợp vi phạm. Theo ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh), việc huy động nguồn lực phải đi liền với cơ chế kiểm soát. Nếu không có sự minh bạch và cơ chế kiểm soát thì khó tránh khỏi tiêu cực, lạm dụng.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, giai đoạn tới, các địa phương có thể phát huy nội lực, huy động sức dân, đấu giá đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong xây dựng nông thôn mới vẫn là nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh - liên kết, phát triển hợp tác xã, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nước sạch, đào tạo nghề, duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết chế văn hóa giáo dục... Trong những năm qua, nhiều địa phương triển khai thực sự chưa hiệu quả, dẫn tới không kịp giải ngân vốn, phải hoàn trả cho Trung ương. Nêu thực tế này, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, Chính phủ nên giao vốn sự nghiệp trung hạn 5 năm thay vì giao từng năm cho các địa phương, vì thực tế nhiều công trình, hạng mục sự nghiệp cần đầu tư trong nhiều năm, như công trình nước sạch tập trung, công trình xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chương trình OCOP...

Để bảo đảm tính thực tiễn và khả thi, trong nghị quyết, Quốc hội nêu rõ một số giải pháp và cơ chế quản lý, điều hành để thực hiện thành công Chương trình này. Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định. Các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Đồng thời, khuyến khích cho vay ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới. Rà soát, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm cho việc huy động tối đa các nguồn lực cũng như sức dân cho Chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn như Xây dựng nông thôn mới.

Nhật An