Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân gặp khó khăn

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 11:16 - Chia sẻ
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đối với các tỉnh, thành phố phía Nam trong buổi sơ kết hoạt động của Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh thành phía Nam. Theo đó, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội để trợ giúp người dân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, các tỉnh phía Nam cũng cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội, bảo đảm đúng quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Chi ngân sách hơn 10 nghìn tỷ trong 2 tháng

Theo Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ Phó thường trực Tổ Công tác đặc biệt Phạm Anh Thắng, đến ngày 18.9.2021, các tỉnh phía Nam đã nhận được 58.880/136.349,61 tấn gạo (43,18% số gạo được Thủ tướng Chính phủ quyết định). Tổng kinh phí của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt trên 9.876,4 tỷ đồng; chính sách bảo hiểm xã hội trên 2.791 tỷ đồng; chính sách tiền mặt trên 7.049,5 tỷ đồng; chính sách vay vốn hơn 35,7 tỷ đồng. 

“Các tỉnh, thành phố phía Nam đều coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ then chốt để tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, do đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng đối tượng hỗ trợ đi đôi với việc chuẩn bị nguồn ngân sách, mặt khác, chú trọng vận động xã hội hóa các nguồn lực thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp để đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ người dân, số đối tượng được nhận hỗ trợ ngày càng được phủ rộng hơn” - ông Phạm Anh Thắng nhận định.

Gần 1,8 triệu túi an sinh đã được chuyển đến các địa phương tại TP. Hồ Chí Minh.
Gần 1,8 triệu túi an sinh đã được chuyển đến các địa phương tại TP. Hồ Chí Minh.

Điển hình là TP. Hồ Chí Minh, hiện đã hỗ trợ được gần 1,8 triệu túi an sinh, mỗi túi 300 nghìn đồng cho người dân trong tổng số 2 triệu túi an sinh; vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền 329 tỷ đồng; cơ bản triển khai xong gói hỗ trợ từ ngân sách của thành phố theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND cho các lao động tự do, đến nay, đã chi trên 5.418 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đã cấp phát xong 14.500 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân trong đợt đầu, đồng thời, chuẩn bị tiếp nhận đợt 2 với 56.605 tấn còn lại (trong tổng số 71.105 tấn gạo Chính phủ cấp hỗ trợ). Hiện nay, thành phố đang khẩn trương thực hiện công tác chi hỗ trợ đợt 3 từ sau ngày 20.9, để hỗ trợ cho hơn 7,5 triệu người mất việc, mất thu nhập, hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn đang có mặt tại địa phương, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Bên cạnh công tác an sinh, công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng được triển khai quyết liệt. Tổ công tác cho biết, đến nay có 19 tỉnh ghi nhận số ca mắc giảm so với tuần đầu tháng 9.2021. Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tính đến 19.9, có 15 cơ sở xã hội trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam có lây nhiễm Sars CoV-2, số mắc lũy kế là 1.995 người; số tử vong lũy kế là 11 người; số mắc hiện tại là 560 người.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác an sinh

Chia sẻ về vai trò của Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh thành phía Nam cho biết, từ ngày thành lập, Tổ công tác đã thường xuyên cập nhật việc hỗ trợ tại các tỉnh, thành phía Nam để đưa ra kiến nghị nhằm gỡ khó cho từng địa phương. Cùng với đó, Tổ công tác đặc biệt liên tục đôn đốc lãnh đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân gặp khó vì Covid-19. Đến nay, vẫn triển khai quyết liệt Nghị quyết 68, Quyết định 23, bảo đảm đời sống an sinh cho người dân, người lao động bị mất việc làm do tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, Tổ công tác cần bám sát hơn nữa mục tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện một cách đồng bộ các Kế hoạch công tác theo Quyết định của Bộ trưởng để các mặt công tác của Tổ đạt hiệu quả cao hơn, trong đó, chú trọng theo dõi tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm, khảo sát đánh giá về nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu với Bộ ban hành các chính sách phù hợp đối với lĩnh vực này khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Nói thêm về mặt chính sách, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68, Quyết định 23 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo các địa phương có giải pháp tăng cường tiêm vaccine cho công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... để bảo đảm điều kiện làm việc trong tình hình mới. Đặc biệt, Tổ Công tác đề nghị các tỉnh, thành phía Nam cần chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động giúp cho người dân duy trì cuộc sống.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương