Huy động trí tuệ cho Quốc hội

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 06:17 - Chia sẻ
Huy động tối đa nhà khoa học, chuyên gia vào công việc của Quốc hội ở các lĩnh vực, để Quốc hội không chỉ là trí tuệ của 499 đại biểu mà là trí tuệ của toàn dân. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi trả lời báo chí về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội Khóa XV.

Đất nước đang bước vào bước ngoặt của một thời kỳ mới: Giai đoạn ứng phó và phục hồi nền kinh tế - xã hội hậu Covid-19, chuyển đổi số toàn diện và Việt Nam cần đảm nhiệm trọng trách lớn trên trường khu vực cũng như quốc tế. Vì vậy, huy động trí tuệ và ý kiến của đa dạng các nhóm người dân, chuyên gia để nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là hướng tiếp cận xác đáng của người đứng đầu Quốc hội.

Những thách thức trong nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ này rất lớn. Quốc hội sẽ phải xử lý những vấn đề pháp lý hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ của thời đại số, của nền kinh tế số. Có thể kể đến tài sản số, thương mại và dịch vụ số, đặc biệt là dịch vụ số xuyên biên giới; các hiệp định kinh tế và thương mại số thế hệ mới; dữ liệu số, đặc biệt là dữ liệu cá nhân và an toàn dữ liệu…

Những vấn đề này đã hiện hữu rõ, được thảo luận sôi nổi ở nhiều quốc gia, đương nhiên Việt Nam cũng phải sớm xử lý. Và ngay cả ở các nước phát triển, các nhà lập pháp cũng đang tranh luận và tìm tòi cách tiếp cận mới để tạo lập được khung khổ pháp lý mới vừa khuyến khích và trở thành động lực cho nền kinh tế số, vừa ngăn ngừa được những “thất bại thị trường”, những hệ lụy của các ngành công nghiệp số.

Khó khăn lập pháp còn lớn hơn xét trên khía cạnh kỹ thuật số - internet mang bản chất xuyên quốc gia. Do đó, nền tảng pháp lý riêng rẽ của từng nước có thể không đủ hiệu quả để giải quyết những vấn đề xuyên biên giới và đòi hỏi các nhà lập pháp phải kiến tạo những hệ thống pháp lý chung mang tính toàn cầu hoặc khu vực. Điều này, đến lượt nó, đòi hỏi sự nâng cấp lớn về “chất” của Quốc hội, cả ở những kỹ năng truyền thống như làm chính sách, làm luật và những kỹ năng mới là hợp tác quốc tế, làm việc ở môi trường lập pháp xuyên quốc gia, trong những hệ thống toàn cầu.

Để thành công trong những nhiệm vụ phức tạp như vậy, Quốc hội không thể “đi một mình” mà cần dựa vào trí tuệ của chuyên gia, các nhà khoa học và lắng nghe ý kiến của đa dạng các nhóm dân cư khi làm chính sách. Điều may mắn là người Việt Nam ở trong nước và trên thế giới có những chuyên gia hàng đầu để đóng góp vào tiến trình này. Quốc hội có thể được tiếp thêm chất xám, thêm tri thức từ lực lượng lớn các chuyên gia trong và ngoài nước cho các nhiệm vụ như vậy.

Trong thách thức cũng hàm chứa giải pháp. Công nghệ số đặt ra những bài toán pháp lý hóc búa, đồng thời cung cấp cho Quốc hội những công cụ hiệu quả để huy động trí tuệ người dân, trí tuệ chuyên gia tham gia rộng rãi vào quy trình chính sách và lập pháp. Quốc hội điện tử với các công cụ tương tác mới có thể giúp tổ chức các phiên điều trần chính sách, các cuộc tham vấn kỹ thuật với chuyên gia, với đối tượng bị chính sách tác động. Thay vì phải mời chuyên gia có mặt ở Ba Đình, hay một chuyên gia ở thung lũng Silicon, một nhà khoa học ở Australia, Anh, Pháp hay bất kỳ nơi đâu cũng có thể dự họp và góp ý trực tiếp cho các đại biểu.

Từ định hướng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiệm kỳ Quốc hội mới chắc chắn sẽ có những “giải pháp số” sáng tạo trong huy động trí tuệ chuyên gia, trí tuệ Nhân dân. Nguồn lực này sẽ giúp mỗi đại biểu, cũng như toàn thể Quốc hội hoàn thành những kỳ vọng lớn lao của người dân vào phát triển quốc gia trong thời kỳ mới.

Cẩm Phô