Huy động y tế tư nhân chống dịch

- Thứ Ba, 27/07/2021, 05:11 - Chia sẻ
Chiều tối 25.7, chiếc máy bay chở hơn 1,5 triệu liều vaccine Moderna hạ cánh sân bay Nội Bài, đưa tổng số vaccine phòng Covid-19 Việt Nam đã tiếp nhận từ các nguồn khác nhau lên hơn 14 triệu liều.

Vài giờ trước đó, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm hiện tại chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ với số lượng trên 130 triệu liều; đồng thời đang nỗ lực đàm phán ký thêm hơn 40 triệu liều để có được 170 triệu liều vào năm 2021. Nhờ nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7 có khoảng 12 triệu liều được chuyển về Việt Nam.

Cũng liên quan đến vaccine, trong bản tin sáng 26.7, Bộ Y tế cho biết đã tiêm được 4.613.491 liều (cả mũi 1 và mũi 2).

Rõ ràng, tình hình khan hiếm vaccine rất đáng lo, nhưng tốc độ tiêm chủng cũng đáng lo không kém! Với tốc độ chậm như hiện nay, kể cả khi nhận đủ vaccine, việc mở rộng độ bao phủ tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn là điều chưa chắc chắn.

Trong bối cảnh hiện tại, các ý kiến chuyên môn đang đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế cân nhắc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào công cuộc phòng chống dịch.

Nhìn tổng thể, sự phát triển mạnh mẽ của khối y tế tư nhân là điểm sáng đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua. Về phía Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích đáng kể, đặc biệt là trong việc cho phép Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả chi phí cho những cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Báo cáo đánh giá 9 năm thi hành Luật Khám chữa bệnh cho thấy y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng. Năm 2011 chỉ có 102 bệnh viện tư nhân và bán công với 5.822 giường bệnh, đến năm 2019 đã có 248 bệnh viện tư nhân với 21.048 phòng khám chuyên khoa và trên 15.475 giường bệnh. Sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân đã góp phần nâng số giường bệnh/10.000 dân của toàn hệ thống y tế  từ 23,56 giường năm 2011 lên khoảng 29 giường vào năm 2018.

Nhìn ở lát cắt mỏng hơn, mới đây Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có 184 cơ sở y tế ngoài công lập được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 180 cơ sở được thực hiện test nhanh và 4 bệnh viện đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm RT - PCR. Điều này cho thấy năng lực tham gia xét nghiệm của khối y tế tư nhân đã tăng lên rõ rệt và sự tham gia của họ chắc chắn sẽ giúp giảm tải áp lực xét nghiệm đang đè nặng.

Năng lực y tế tư nhân đã được tăng cường đáng kể như vậy, nếu chậm trễ trong việc huy động lực lượng này tham gia chống dịch thì đó là một sự lãng phí nguồn lực đáng kể. Vì thế, Bộ Y tế và các địa phương cần rà soát và gấp rút có chính sách huy động nhân lực và cơ sở vật chất từ các cơ sở y tế tư nhân cùng góp sức chống dịch. Các cơ sở y tế tư nhân có thể tham gia cả ở khâu xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị. Ví dụ, có thể “thuê” cơ sở y tế tư nhân tiêm vaccine, chứ không phải cho phép tư nhân cung cấp dịch vụ tiêm vaccine. Nói cách khác, vaccine vẫn là của Nhà nước, cơ sở y tế tư nhân chỉ đi “tiêm thuê” và được ngân sách trả tiền. Cơ sở y tế tư nhân cũng có thể tham gia vào mô hình tháp điều trị Covid "4 tầng", "5 tầng" ở các địa phương. 

Ở đây, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần sát sao cùng Bộ Y tế và các địa phương xem xét cơ chế tài chính khi huy động cơ sở y tế tư nhân chống dịch. Tư nhân tham gia thì phải được trả tiền. Kinh phí đó có thể đến từ nguồn bảo hiểm xã hội cũng như từ bệnh nhân. Nguyên tắc là như vậy nhưng cần có quy định rõ ràng, chi tiết - chẳng hạn một mũi tiêm định mức bao nhiêu - để các địa phương có thể nhanh chóng triển khai và bảo hiểm có thể thanh toán.

Cuộc chiến với Covid-19 là cuộc chiến của cả đất nước và của cả toàn dân. Và vì vậy, y tế tư nhân không thể đứng ngoài cuộc.

Cẩm Phô