Indonesia thông qua luật dời đô

- Thứ Tư, 19/01/2022, 06:12 - Chia sẻ
Quốc hội Indonesia vừa thông qua dự luật chuyển thủ đô từ Jakarta sang khu vực Kalimantan trên đảo Borneo, quy định cách thức quản lý và cấp ngân sách nhằm phát triển thủ đô mới. Đây sẽ là khung pháp lý để Tổng thống Indonesia thực hiện hóa kế hoạch chuyển thủ đô đầy tham vọng trị giá 32 tỷ USD. Thủ đô mới sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - nơi sinh sống của hơn 10 triệu dân - sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của đất nước.

Kế hoạch tham vọng

Chính phủ Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất đất nước vào tháng 4.2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Widodo công bố hai khu vực hành chính Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara (thuộc tỉnh Đông Kalimantan) được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới của nước này.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Với diện tích khoảng 127.000km2, Đông Kalimantan là nơi sinh sống của hơn 3,7 triệu người. Việc khởi công dự án xây dựng trị giá hàng tỷ USD này ban đầu dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 8.2020, nhưng đại dịch Covid-19 đã buộc Chính phủ phải tạm dừng kế hoạch này. Indonesia dự kiến sẽ bắt đầu di dời sang Thủ đô mới vào năm 2024, và ước tính kéo dài từ 15 - 20 năm.

Theo Reuters, Bloomberg, phát biểu trước Quốc hội khi dự luật được thông qua ngày 18.1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia Suharso Monoarfa đánh giá, “Thủ đô mới có chức năng trung tâm và là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia, cũng như trọng tâm kinh tế mới”. Tổng thống Widodo đã chọn cái tên “Nusantara”, tiếng Java nghĩa là quần đảo cho thủ đô mới. Nó sẽ có diện tích chính là 56.180ha ở tỉnh Đông Kalimantan.

Trên thực tế, các kế hoạch di dời chính phủ khỏi Jakarta, siêu đô thị sầm uất, nơi bị tắc nghẽn kinh niên, lũ lụt và ô nhiễm không khí, đã được nhiều đời tổng thống Indonesia đưa ra, nhưng không ai thực hiện được đến nay. Vì vậy, nền kinh tế lớn nhất  Đông Nam Á hình dung thủ đô mới như một “siêu trung tâm” carbon thấp, sẽ hỗ trợ các ngành dược phẩm, y tế và công nghệ cũng như thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java.

Ông Saan Mustof, Phó Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về dự luật di dời thủ đô, cho biết Nusantara sau khi thành lập sẽ do một quan chức đứng đầu có chức vụ tương đương với bộ trưởng. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, trong số những người đang được xem xét cho vị trí này có cựu Bộ trưởng Nghiên cứu và công nghệ, Tiến sĩ Bambang Brodjonegoro, và cựu Thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama.

Indonesia sẽ là quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á di dời các thành phố thủ đô của mình. Trước đó, nước láng giềng Malaysia chuyển thủ đô hành chính đến Putrajaya vào năm 2003 và Myanmar đổi thủ đô thành Naypyitaw vào năm 2006.

Vì sao Indonesia quyết định dời đô?

Theo Guardian, giải thích cho kế hoạch trên, Tổng thống Widodo từng nói, việc tái định cư là nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng, cũng như giảm bớt một số gánh nặng cho Jakarta và đảo Java. Java là nơi sinh sống của 60% dân số và là nơi diễn ra hơn một nửa hoạt động kinh tế của đất nước. Trong khi đó Kalimantan lớn hơn gần 4 lần, nhưng chỉ chiếm chưa đến 1/10 tổng sản lượng quốc nội. Ngoài ra, Kalimantan cũng nằm ở vị trí trung tâm hơn nhiều trong quần đảo gồm khoảng 17.000 hòn đảo của Indonesia.

Theo Tổng thống Widodo, đây là vị trí rất chiến lược, không chỉ ở trung tâm mà còn rất gần các khu vực đô thị. Trong khi đó, “gánh nặng mà Jakarta đang phải gồng gánh là quá nặng nề vì là trung tâm của quản trị, kinh doanh, tài chính, thương mại và dịch vụ”, ông nói.

Jakarta cũng đang phải vật lộn với gánh nặng lớn về môi trường, nhất là chất lượng không khí thậm chí có lúc còn tồi tệ hơn so với những thành phố nổi tiếng ô nhiễm như Delhi hay Bắc Kinh. Ngoài ra, điều quan trọng nữa là Thủ đô Jakarta đang bị chìm. Các khu vực phía Bắc Jakarta, bao gồm cả tường chắn sóng được thiết kế để bảo vệ, đang sụt giảm ước tính 25cm mỗi năm do sụt lún. Thành phố không cung cấp đủ nước uống, vì vậy người dân Jakartan chủ yếu dựa vào các giếng khai thác nước từ các tầng chứa nước nông, dẫn đến vùng đất phía trên sụp đổ. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do sự bùng nổ của các khu chung cư mới, trung tâm mua sắm và các tòa nhà khác, làm tăng nguy cơ xảy ra những trận lũ lụt thảm khốc.

Mặc dù Kalimantan được cho là lý tưởng để dời thủ đô đến nhưng một số nhà bình luận vẫn còn tỏ ra lấn cấn liên quan đến vấn đề môi trường. Thực tế, Kalimantan là nơi có các hoạt động khai thác mỏ lớn cũng như quê hương của rừng nhiệt đới, đồng thời là một trong số ít những nơi loài đười ươi sống trong môi trường sống tự nhiên của chúng.

Mặc dù Chính phủ nói rằng thành phố mới sẽ được xây dựng trên vùng đất gần các trung tâm đô thị hiện tại của Balikpapan và Samarinda và cam kết tác động môi trường sẽ là tích cực, nhưng các nhà môi trường vẫn lo số lượng người sống trên đảo tăng lên sẽ có những tác động nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm cả môi trường sống trong rừng nhiệt đới. Theo họ, việc di dời cần phải được xử lý cẩn thận nếu không sẽ là “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, dời đô khỏi một nơi sinh thái bị xuống cấp để tạo ra một khu vực khác bị hủy hoại.

Ngọc Minh