Các cơ chế dành cho nữ nghị sĩ trong IPU

IPU - trung tâm tri thức cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 06:00 - Chia sẻ
Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là tổ chức liên nghị viện lâu đời nhất thế giới với hơn 130 năm lịch sử hoạt động. Mỗi kỳ Đại hội đồng tổ chức thu hút hơn 170 nghị viện quốc gia tham dự với hơn 1.600 nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Đây là diễn đàn giúp các nghị sĩ bàn thảo về nhiều vấn đề thuộc mối quan tâm chung của quốc tế cũng như những vấn đề nóng bỏng mang tính cấp bách liên quan đến an ninh, hòa bình thế giới.

Đặc biệt, IPU là một trong những tổ chức hàng đầu về trao quyền cho phụ nữ, công nhận mối liên hệ giữa các nền dân chủ mạnh mẽ và bình đẳng giới trong các nghị viện. Tổ chức đã xây dựng nhiều cơ chế dành riêng cho các đại biểu nữ tham dự gồm Diễn đàn Nữ nghị sĩ, Văn phòng Nữ nghị sĩ, Nhóm Đối tác về giới. Đây là những cơ chế trọng tâm tạo diễn đàn bên trong IPU dành cho các đại biểu nữ là nghị sĩ tại các nghị viện thành viên tới chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các chủ đề cũng như biện pháp nhằm tăng cường năng lực của phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chính trị, cũng như các biện pháp chung để nâng cao đời sống cho phụ nữ, chống các nạn buôn người và bạo hành phụ nữ trên thế giới.

Với những cơ chế kể trên, IPU hướng tới 3 mục tiêu chính: tăng số lượng phụ nữ trong nghị viện thông qua thúc đẩy nâng hạn ngạch phụ nữ tham gia vào chính trị; ủng hộ phụ nữ tại các cơ quan lập pháp và chuyển đổi các nghị viện thành các tổ chức nhạy cảm về giới nhằm thực hiện các quyền của phụ nữ.

Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam

Nguồn: WHO 

Để đạt được những mục tiêu này, IPU có rất nhiều dữ liệu và công cụ. IPU đã thu thập dữ liệu về phụ nữ tham gia chính trị từ những năm 1970, khi vấn đề phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định hầu như không được tính đến. Nghiên cứu của IPU cung cấp số liệu thống kê vô giá về tiến bộ và những thách thức còn tồn tại trong quá trình trao quyền cho phụ nữ, đồng thời đưa ra những cơ sở dữ liệu trở thành điểm tham chiếu toàn cầu cho phụ nữ trong nghị viện.

Cơ sở dữ liệu phong phú của IPU cho phép xếp hạng các quốc gia theo tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp, cung cấp dữ liệu so sánh theo quốc gia, cũng như mức trung bình hiện tại trên thế giới và khu vực.

Bên cạnh đó, IPU cũng hợp tác với International IDEA và Đại học Stockholm trong việc vận hành cơ sở dữ liệu toàn cầu về hạn ngạch bầu cử giới, cung cấp dữ liệu cụ thể cho từng quốc gia về các cơ chế hiện có để bảo đảm sự tham gia của phụ nữ trong các nghị viện.

IPU cũng đã phát triển “Bộ công cụ tự đánh giá” dành cho các nghị viện nhạy cảm về giới. Bộ công cụ này đã trở thành nguồn tham chiếu cần thiết, được hàng chục nghị viện trên thế giới sử dụng.

Cùng với Liên Hợp Quốc, IPU đã và đang là tổ chức quốc tế hoạt động mạnh mẽ nhất phục vụ vì các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong đó có mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, thông qua việc đưa phụ nữ có mặt nhiều hơn trong các cơ quan ra quyết định.

Đạt Quốc