Iran sẽ sớm trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015?

- Thứ Bảy, 08/05/2021, 06:25 - Chia sẻ
Mới đây, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, bất chấp việc nước này và Iran vẫn còn chia rẽ về các vấn đề chính, hai bên hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận trong vài tuần tới về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu Tehran đưa ra quyết định chính trị để thực hiện nó.

Khả thi nếu có ý chí chính trị

Theo NBC, phát biểu trước khi các cuộc đàm phán gián tiếp vòng 4 được tiếp tục tại Vienna, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với phóng viên rằng, các cuộc thảo luận trước đó đã nêu rõ những lựa chọn mà mỗi chính phủ phải đối mặt để quay trở lại tuân thủ thỏa thuận năm 2015, vốn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tuy nhiên, vị quan chức trên cho biết, các cuộc đàm phán sẽ phải tăng tốc để đạt được thỏa thuận trong vài tuần tới, trước khi Iran tổ chức cuộc bầu cử tổng thống  ngày 18.6. “Nếu Iran đưa ra quyết định chính trị rằng họ thực sự muốn quay trở lại JCPOA, thì việc này có thể được thực hiện tương đối nhanh chóng và việc thực thi cũng nhanh chóng”, quan chức này nói. “Nhưng chúng tôi không rõ Iran có đưa ra quyết định đó hay không”.

Các đại biểu các bên về thỏa thuận hạt nhân Iran tham dự cuộc đàm phán ở Vienna. (Nguồn: Reuters)

Theo ông, có khả năng hai bên đồng ý quay trở lại thỏa thuận. “Chỉ có thời gian mới trả lời được, bởi vì, như tôi đã nói, đây cuối cùng là vấn đề của một quyết định chính trị cần được thực hiện ở Iran”. “Chúng tôi cam kết sẽ làm điều đó và chúng tôi sẽ phải xem liệu Iran có hành động như vậy trong những ngày và tuần tới hay không”.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani sắp kết thúc, cuộc bầu cử vào tháng 6 tới có nguy cơ làm phức tạp các cuộc đàm phán và trì hoãn bất kỳ sự hồi sinh nào của thỏa thuận. Quan chức Mỹ cho biết, không rõ Iran có sẵn sàng từ bỏ “những yêu cầu phi thực tế” đã được đề xuất trong các vòng đàm phán trước hay không. Theo quan chức này, đất nước cờ hoa “không thể rơi vào tình huống mà Mỹ làm nhiều hơn yêu cầu của thỏa thuận về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và Iran sẽ làm ít hơn... so với những gì được yêu cầu về việc trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân”.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đưa ra một loạt hạn chế đối với hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên Hợp Quốc và EU. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018, tái áp dụng các biện pháp trừng phạt và đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt mới. Iran đáp trả bằng cách phá bỏ các giới hạn của thỏa thuận về việc làm giàu uranium, sử dụng các máy ly tâm tiên tiến và các hoạt động khác như sản xuất nước nặng. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẵn sàng đưa Mỹ trở lại thỏa thuận nếu Iran quay lại tuân thủ các giới hạn về việc làm giàu uranium và các hoạt động hạt nhân khác của mình.

Song, chính quyền Mỹ đương nhiệm cũng tỏ ra thận trọng về những biện pháp trừng phạt cụ thể mà Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ, mặc dù các quan chức nước này thừa nhận rằng một số biện pháp trừng phạt phi hạt nhân, chẳng hạn như lệnh trừng phạt mà cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với những hành vi mà Mỹ cho là khủng bố, hoạt động tên lửa đạn đạo và vi phạm nhân quyền, có thể phải được nới lỏng đối với Iran để có được sự tin cậy của nước này. Đó là bởi vì một số thực thể đã bị loại bỏ khỏi các lệnh trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân đang bị trừng phạt bởi các cơ quan chức năng khác.

Về phía Tehran, trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 5.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phát biểu, có “hy vọng lớn rằng chúng tôi khôi phục thỏa thuận” và sẽ tùy thuộc vào việc Tổng thống Biden “quyết định” đưa Mỹ trở lại thỏa thuận như thế nào.

Các quan chức Iran trước đó báo cáo về tiến độ các cuộc đàm phán, đồng thời cho biết hai bên nhất trí rằng, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Iran. Theo chính quyền Tehran, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và do đó nên dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt kinh tế trước khi Iran thực hiện bất kỳ bước đi nào để trở lại tuân thủ.

Trước sự khăng khăng của Iran, các cuộc đàm phán tại Vienna mang tính gián tiếp, với việc Mỹ và Iran chuyển thông điệp qua các bên khác đã ký kết thỏa thuận năm 2015: Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga.

Sẽ có thêm thỏa thuận về trao trả tù nhân?

Song song với các cuộc đàm phán về hạt nhân, giới truyền thông Iran tuần trước đưa tin, đã đạt được thỏa thuận giữa Tehran và Washington về việc trao trả tù nhân. Tuy nhiên, cả hai bên hiện nay vẫn bác bỏ một thỏa thuận như vậy.

Một quan chức Mỹ cho biết, “không có thỏa thuận nào hết”, đồng thời cáo buộc truyền thông Iran “đã tuyên truyền độc ác” khi đưa ra những câu chuyện có thể dấy lên hy vọng cho gia đình của những người bị bắt giữ.

Theo ông, các cuộc thảo luận gián tiếp “tích cực” đang được tiến hành về số phận những người Mỹ bị giam cầm ở Iran, mặc dù đây là vấn đề đang được xử lý “độc lập” với các cuộc đàm phán JCPOA. “Chúng tôi thực sự coi đó là vấn đề cấp bách nhất để đưa những người bị giam giữ về nhà”. “Chúng tôi không nói, đầu tiên, chúng ta hãy đạt được thỏa thuận hạt nhân và sau đó tiếp tục giải quyết vấn đề những người bị giam giữ. Chúng tôi muốn xử lý vấn đề những người bị giam giữ ngay lập tức”, quan chức này nhấn mạnh.

Hôm 27.4, Iran cũng đề nghị Mỹ phóng thích tất cả tù nhân Iran đang bị bắt giam tại nước này vì “lý do nhân đạo”. Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei tiết lộ có khả năng Iran và Mỹ sẽ trao đổi tù nhân một lần nữa sau cuộc trao đổi năm 2019. Ông Rabiei không cho biết bao nhiêu công dân Iran đang bị giam giữ tại Mỹ, song nói rằng con số đó lớn hơn số tù nhân Mỹ ở Iran. Thực tế, chính quyền Tehran nhiều lần bày tỏ sẵn sàng trao đổi tù nhân với Washington.

Ngọc Minh