Israel bước vào kỷ nguyên mới

- Thứ Ba, 15/06/2021, 08:14 - Chia sẻ
Sau hơn thập kỷ, Israel đã đón vị Thủ tướng mới thay thế ông Netanyahu. Ông Naftali Bennett, 49 tuổi, là triệu phú công nghệ, đã tuyên thệ nhậm chức cuối tuần qua sau khi liên minh 8 đảng mới của ông thành công giành lấy vai trò thành lập Chính phủ mới.

Chấm dứt kỷ nguyên “Vua Bibi”

Thủ tướng mới đắc cử đã được Quốc hội Israel (Knesset) bổ nhiệm trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ phiếu thuận trên phiếu chống là 60/59, một thành viên bỏ phiếu trắng. Nội các của ông Bennett sẽ không giống bất kỳ chính phủ nào trước đó trong lịch sử 73 năm của Israel, bởi đây là liên minh của nhiều đảng phái và được thông qua với chiến thắng quá suýt soát.

Ngay sau khi phiếu bầu được thống kê, cựu Thủ tướng Netanyahu, người được mệnh danh là “Vua Bibi”, tiến lại gần đối thủ và hai người bắt tay nhau. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông lên Twitter, hướng dẫn những người ủng hộ mình hãy ngẩng cao đầu và giữ vững niềm tin, đồng thời thề sẽ sớm trở lại “nhanh hơn bạn nghĩ”.

Việc phế truất Thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel sở dĩ thực hiện được thông qua một nhóm đồng minh ít có khả năng là bởi họ chung niềm tin ông Netanyahu phải ra đi. Tám đảng trên bao gồm đảng Yesh Atid (hiện giữ 17 ghế trong Quốc hội), đảng Xanh và Trắng (8 ghế), đảng Yisrael Beytenu (7 ghế), Công đảng (7 ghế), đảng Yamina (6/7 ghế), đảng Hy vọng mới (6 ghế), đảng Meretz (6 ghế) và đảng Ra'am (4 ghế). Tất cả đều đã đồng ý trì hoãn các quyết định lớn xung quanh những vấn đề gây tranh cãi, như tương lai của Bờ Tây bị chiếm đóng.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Chính quyền Palestine ở Ramallah nhận định, các chính sách của chính quyền Israel mới sẽ “không có gì khác biệt, hoặc thậm chí có thể tồi tệ hơn”. “Đây là chuyện nội bộ của Israel. Lập trường của chúng tôi luôn rõ ràng, những gì chúng tôi muốn là một nhà nước Palestine ở biên giới năm 1967 với Jerusalem là Thủ đô”, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói. Trong khi đó, tại Gaza, lực lượng Hamas cho biết, Israel tiếp tục là “một thực thể chiếm đóng và phải bị chống lại bằng mọi hình thức kháng chiến, trước hết là cuộc kháng chiến vũ trang”.

Ông Netanyahu, 71 tuổi, lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng vào cuối những năm 1990, sau đó được bầu một lần nữa vào năm 2009. Trong 12 năm qua, ông sử dụng thời gian tại vị để cho phép phát triển các khu định cư Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng, và liên kết Israel với các nhà lãnh đạo cánh hữu trên trường quốc tế.

Trong con mắt của những người ủng hộ trung thành, ông Netanyahu được coi là người bảo vệ mạnh mẽ của Israel, đưa đất nước thành công về kinh tế và giám sát cuộc chiến hiệu quả chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng cũng phải đối mặt với các cáo buộc hối lộ, gian lận và vi phạm lòng tin mà ông luôn bác bỏ. Trong hai năm qua, tỷ lệ ủng hộ ông Netanyahu bị suy giảm khiến ông phải vật lộn để nắm quyền bằng cách thúc đẩy các cuộc bầu cử liên tục, dẫn đến số phiếu bất phân thắng bại.

Nhưng đầu tháng này, phe phản đối ông đã đi đến một thỏa thuận phức tạp để hình thành đa số. Ông Yair Lapid, cựu Bộ trưởng Tài chính và là người đứng đầu đảng Yesh Atid trung dung, dẫn đầu cáo buộc chống lại ông Netanyahu và tham gia với lãnh đạo thuộc cánh hữu Naftali Bennett của đảng Yamina.

Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett

 Nguồn: AFP 

Theo thỏa thuận, lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid sẽ phục vụ nửa sau nhiệm kỳ Thủ tướng 4 năm. Mặc dù Yesh Atid giữ nhiều ghế gấp đôi trong Knesset, nhưng ông Yair Lapid đồng ý để ông Naftali Bennett phục vụ trong hai năm đầu tiên (đến tháng 9.2023) để duy trì đoàn kết chính trị. Sau đó, ông Bennett sẽ trao lại “ngọn đuốc” cho ông Lapid vào nửa sau nhiệm kỳ.

Trước ngày Quốc hội bỏ phiếu cuối tuần qua, ông Netanyahu từng lên Twitter với hy vọng làm xói mòn lòng tin đối với phe đối lập. Ông viết: “Bennett đã phá vỡ tất cả cam kết với cử tri của mình để trở thành Thủ tướng bằng mọi giá”, “đây là trò lừa đảo thế kỷ!”… Đảng Likud của ông cũng lên mạng xã hội cố gắng gây áp lực với các thành viên của liên minh mới. Tuy nhiên, liên minh của ông chiếm đa số nhỏ.

Lời hứa của tân Thủ tướng

Thủ tướng mới của Israel Naftali Bennett tuyên bố sẽ thống nhất đất nước bị tranh chấp bởi bốn cuộc bầu cử trong hai năm bế tắc chính trị. Ông cho biết, Chính phủ của mình “sẽ hoạt động vì lợi ích của tất cả người dân”, đồng thời nói thêm các ưu tiên sẽ là cải cách giáo dục, y tế và cắt giảm tệ quan liêu. Ngoài ra, là người hướng đến tự do hóa nền kinh tế, ông Bennett luôn ủng hộ việc cắt giảm thuế và các quy định cứng nhắc trong điều hành. Ông còn rất cởi mở trong những vấn đề như quyền lợi của người đồng tính, mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước tại một quốc gia mà các giáo sĩ Do Thái chính thống thường có ảnh hưởng mạnh mẽ…

Nhưng trước mắt, bản thân ông Bennet cũng không muốn chính trường Israel xích mích thêm, mà nên hợp tác vì lợi ích chung. Thực tế, ngay sau khi được Quốc hội bỏ phiếu cho liên minh chính phủ mới, ông Bennet đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để không ai phải cảm thấy sợ hãi… Và tôi nói với những người có ý định ăn mừng đêm nay, đừng nhảy múa trên nỗi đau của người khác. Chúng ta không phải là kẻ thù”. Ông cũng cam kết: “Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để hàn gắn những rạn nứt ở quốc gia này và ngay lập tức đưa đất nước hoạt động bình thường trở lại sau thời gian dài tê liệt”.

Trong sự nghiệp của mình, ông Naftali Bennett từng làm Chánh văn phòng Thủ tướng cho ông Netanyahu giai đoạn 2006 - 2008 trước khi rời đảng Likud. Sau đó, ông tham gia đảng Ngôi nhà của người Do Thái (Jewish Home), rồi từng đảm nhiệm các chức vụ bộ trưởng trong Chính phủ. Năm 2019, liên minh cánh hữu mới do ông thành lập không giành được ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội. Song chưa đầy một năm sau, ông nhanh chóng đảo ngược tình thế và trở lại tư cách là người đứng đầu đảng Yamina. Ngoài ra, tân Thủ tướng Israel còn từng có thời gian phục vụ trong lực lượng đặc biệt của quân đội Israel. Ông cũng thành lập một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trước khi bán công ty này và thu về khoản tiền giúp ông trở thành triệu phú.

Về quan điểm chính trị, ông Bennett ủng hộ Israel là quốc gia của dân tộc Do Thái. Ông từng tuyên bố quyền lịch sử và tôn giáo của người Do Thái đối với khu vực Bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan (vùng lãnh thổ Syria do Israel chiếm đóng từ năm 1967). Ông ủng hộ người Do Thái định cư ở Bờ Tây, trong khi đây chính là một trong những mâu thuẫn chính giữa người Israel và Palestine. Nhà lãnh đạo này cũng bác bỏ khả năng thành lập một nhà nước Palestine, vốn được xem là lối thoát cho xung đột Israel - Palestine. Bản thân ông còn rất cứng rắn trong việc đối phó với mối đe dọa từ các tay súng Palestine, từng ủng hộ án tử đối với những chiến binh này. Chính vì vậy, ông luôn phản đối thỏa thuận ngừng bắn của Israel với lực lượng Hamas ở Gaza, vốn từng góp phần chấm dứt giao tranh giữa hai bên vào năm 2018. Mới đây nhất, ông buộc tội Hamas sát hại dân thường trong các cuộc không kích từ Gaza hồi tháng 5 vừa qua.

Về “đối thủ” Iran, ông Bennett nhận định, chương trình hạt nhân Iran “đang tiến tới cột mốc quan trọng” và “Israel sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”. Ông thậm chí gửi thông điệp tới Mỹ rằng, “trở lại thỏa thuận hạt nhân (năm 2015) là sai lầm”.

Theo Nhà báo Anshel Pfeffer của tờ Haaretz, ông Bennett đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ ba (lãnh đạo 3.0) của Israel, sau thế hệ của những người sáng lập nhà nước Israel và thế hệ của Thủ tướng Netanyahu.

Thái Anh