Kamala Harris - người phụ nữ làm nên lịch sử

- Thứ Ba, 10/11/2020, 07:22 - Chia sẻ
Khi các phương tiện truyền thông Mỹ xướng tên ông Joe Biden là Tổng thống đắc cử của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, thì cũng khẳng định bà Kamala Harris mới là người làm nên lịch sử với tư cách “nữ Phó tổng thống đầu tiên” của nước Mỹ.

Người phá vỡ những rào cản

Nhờ những đột phá trong suốt hai thập kỷ tham gia chính trường, người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica xuất hiện trên truyền thông với tên gọi “người phá vỡ rào cản”, “người phụ nữ của những lần đầu tiên”. Bà là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu làm luật sư quận của thành phố San Francisco thuộc bang California (từ năm 2004 - 2010). Năm 2010, bà trở thành phụ nữ da màu đầu tiên làm Tổng chưởng lý bang California. Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, là phụ nữ da màu thứ 2 và là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ.

Tự nhận mình là “công tố viên tiến bộ”, bà Harris là thành viên của nhiều tiểu ban quan trọng ở Thượng viện, trong đó có Ủy ban Tư pháp. Bà cũng trở thành phụ nữ gốc Á đầu tiên, phụ nữ da màu đầu tiên được một đảng lớn của Mỹ (Đảng Dân chủ) chọn làm ứng cử viên tranh cử phó tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

	Tấm poster có hình Kamala Harris tại ngôi làng Thulasendrapuram Arun
Tấm poster có hình Kamala Harris tại ngôi làng Thulasendrapuram Arun

Và khi ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, bà Harris còn bổ sung nhiều danh hiệu “đầu tiên” nữa: Phụ nữ đầu tiên, phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên trở thành phó tổng thống của nước Mỹ, một đất nước mà tâm lý kỳ thị và phân biệt chủng tộc, giới tính vẫn là vết gợn lớn.

Chiến thắng truyền cảm hứng

Nữ dân biểu người Mỹ gốc Ấn Pramila Jayapal bình luận: “Bà Harris không chỉ phá vỡ giới hạn bản thân mà còn khai thông con đường mới cho hàng triệu người hướng đến tương lai”.

Bà Kamala Devi Harris sinh ngày 20.10.1964 tại Oakland, bang California. Bà là con cả (bà còn em gái tên là Maya) của nhà nghiên cứu bệnh ung thư người Ấn Độ Shyamala Gopalan và nhà kinh tế học người Jamaica Donald Trump Harris. Năm bà Harris lên 7, cha mẹ bà ly hôn. Bà Shyamala Gopalan nuôi cả hai cô con gái. Ba mẹ con sống ở Berkeley, bang California. Trong cuốn tự truyện, bà Harris viết về mẹ: “Mẹ tôi hiểu rất rõ là bà đang nuôi dạy hai cô con gái da màu, và bà quyết tâm để chúng tôi trở thành những phụ nữ da màu tự tin, kiêu hãnh”.

Khi còn nhỏ cũng như sau này, bà Harris đã được nhiều lần về Ấn Độ thăm quê mẹ và chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông bà ngoại. Ông của bà, một quan chức chính phủ cấp cao, đã tham gia chiến đấu giành độc lập cho Ấn Độ, trong khi bà ngoại là một nhà hoạt động nữ quyền, người đã từng lặn lội tới các vùng nông thôn để chỉ dẫn cho phụ nữ nghèo về biện pháp phòng tránh thai.

Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Kamala Harris đã cùng em gái Maya “lãnh đạo” thành công một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.

Theo trang Politico, mẹ bà Harris đã chọn cái tên Kamala cho con gái đầu lòng như một niềm tự hào riêng với nguồn cội Ấn Độ. Bởi Kamala có nghĩa là “sen” và cũng là một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo. Bà Shyamala Gopalan trong một lần trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Times đã chia sẻ niềm tự hào đó: “Một nền văn hóa tôn thờ các nữ thần sẽ sản sinh ra những phụ nữ mạnh mẽ”.

Trong khi đó, chuyên gia ngành khoa học chính trị Andra Gillespie tại Trường ĐH Emory trả lời đài NBC News: “Tôi nghĩ chiến thắng và những thành tích của bà Harris thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng rất lớn vì đã giúp nâng tầm phụ nữ da màu nói riêng và phụ nữ nói chung”.

Tại làng Thulasendrapuram thuộc bang Tamil Nadu, nơi từng là nhà của ông ngoại Kamala Harris, người dân ăn mừng bằng đốt pháo, cầu nguyện tại các ngôi đền lớn và vẫy những tấm poster có hình phó tổng thống đắc cử. Phụ nữ trong làng làm ragoli, bức họa truyền thống nhiều sắc màu trên nền đất cùng dòng chữ “Chúc mừng Kamala Harris”.

Chú của Harris, học giả Balachandran Gopalan cho rằng, người chị quá cố của ông hẳn sẽ rất tự hào về con gái và cả gia đình sẽ từ khắp nơi trên đất Mỹ, Ấn Độ, Canada và Mexico tụ họp tại Washington để chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức lịch sử của Harris. “Mẹ của Kamala hẳn sẽ rất hạnh phúc. Chị ấy sẽ mong Kamala tiếp tục những gì chị ấy đã làm. Bạn không thể nghĩ ra được bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nơi thế hệ đầu tiên của một gia đình nhập cư có thể đến được với văn phòng làm việc cao nhất”.

“Có quá nhiều thứ đầu tiên và vào thời khắc quan trọng này của lịch sử Mỹ. Việc Kamala trở thành phó tổng thống có rất nhiều ý nghĩa”, ông Gopalan, 79 tuổi, chia sẻ từ New Delhi trong khi báo chí vây bên ngoài ngôi nhà của ông.

“Kamala Harris được bầu làm phó tổng thống Mỹ là một thành tựu lớn lao không chỉ với nước Mỹ hay Ấn Độ mà cho phụ nữ toàn cầu”, Smitashree Mishra, làm việc trong lĩnh vực phát triển y tế quốc tế, nói. “Những gì tôi cảm nhận được từ chiến thắng này là tia hy vọng để có thể đứng vững trong một xã hội luôn đánh giá con người thông qua giới tính, chủng tộc và sắc tộc... Tôi tự hào là một phụ nữ được chứng kiến một người phụ nữ khác đại diện cho quan điểm chính trị của chúng tôi tại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.

Sáng 8.11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng ông Biden và bà Harris. “Thành công của bạn mang tính mở đường và mang lại tự hào lớn lao không chỉ cho “chitti” (cách gọi thân thương trong tiếng Tamil dành cho em gái mà Harris dùng trong lễ chấp thuận đề cử làm ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ) mà còn cho toàn bộ người Mỹ gốc Ấn”, ông Modi viết về Harris.

Gương mặt được kỳ vọng cho năm 2024?

Ở tuổi 56, bà Harris đang được nhiều người coi là ứng viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2024. Ông Biden hiện nay đã 78 tuổi nên được dự báo sẽ chỉ làm một nhiệm kỳ. Điều đó làm dấy lên nhiều hy vọng bà  Harris sẽ trở thành “nữ tổng thống đầu tiên” của nước Mỹ. Trước nhiều đồn đoán, bà Harris chọn cách im lặng.

Khi được hỏi thẳng trên chương trình “60 phút” của Đài CBS hồi tháng trước về việc nghĩ gì nếu ngày nào đó bà Harris lên thay mình ngay trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã nhanh chóng nêu ra 5 lý do ông tin bà Harris sẵn sàng cho vị trí đó: “Thứ nhất, tôi tin vào các giá trị mà cô ấy theo đuổi. Thứ hai, cô ấy thông minh như quỷ. Thứ ba, lưng cô ấy thẳng như cây thông nòng súng. Thứ tư, cô ấy rất nguyên tắc. Và cuối cùng, cô ấy đã có vô vàn kinh nghiệm tại bang lớn nhất nước Mỹ khi điều hành cơ quan tư pháp tiểu bang có quy mô chỉ sau Bộ Tư pháp liên bang”.

Việc làm Tổng chưởng lý của California giúp bà Harris tạo dựng mối liên hệ với Beau, con trai ông Biden, người giữ chức vụ tương tự ở bang Delaware và đã qua đời năm 2015 vì ung thư. “Tôi biết Beau tôn trọng Kamala và công việc của cô ấy như thế nào, và điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi khi đưa ra quyết định này”, ông Biden từng nói trong lần xuất hiện đầu tiên cùng Harris với tư cách là ứng viên Phó tổng thống của Đảng Dân chủ.

Trong bài phát biểu sáng 8.11, bà Harris cho biết sẽ đấu tranh để khôi phục các nguyên tắc hòa nhập của nước Mỹ sau 4 năm bị chia rẽ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bà cho biết mình và ông Joe Biden chia sẻ “tầm nhìn về quốc gia như một cộng đồng được yêu mến, nơi mọi người được chào đón, không quan trọng họ ra sao, đến từ đâu và yêu quý ai”.

Đạt Quốc