Đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

“Kế hoạch đã thực hiện thành công”

- Thứ Bảy, 13/03/2021, 05:48 - Chia sẻ
Với 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao, tăng 2 chỉ tiêu và có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với báo cáo tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ khẳng định: “Kế hoạch năm 2020 đã được thực hiện thành công”. Theo đó, “không chỉ giữ được ổn định mà còn phát triển, không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vươn lên, củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp…”.

“Thành công nhất là công tác đối ngoại”

Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Kinh tế diễn ra sáng 12.3 cho thấy, mặc dù năm 2020 phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh song với quyết tâm thực hiện tốt nhất mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, "chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực". Trong đó, nổi bật là thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Nhà nước nên tạo mặt bằng quỹ đất quốc gia để đón các dự án lớn
Nguồn: Báo Lao động

Cụ thể, có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Quốc hội giao, tăng 2 chỉ tiêu so với số đã báo cáo trước đó (gồm tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% thay vì 1% như đã báo cáo; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88% thay vì 4,39%). Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo, gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91% (số đã báo cáo là 2 - 3%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, năng suất lao động tăng 5,39%; mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 44,43%, cao hơn số đã báo cáo là 37,48%. Giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực, rõ rệt, đạt 97,46% kế hoạch, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020, giảm 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2019 (số đã báo cáo là giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm); riêng các huyện nghèo giảm còn dưới 24%, giảm trên 5 điểm phần trăm so với cuối năm 2019...

Nhìn vào những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2020, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Hoàng Quốc Thưởng cho rằng, "thành công lớn nhất là công tác đối ngoại”, như đảm nhiệm thành công các trọng trách tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực; phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)..., qua đó giúp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tạo mặt bằng quỹ đất quốc gia để đón dự án lớn

Mặc dù vậy, các đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần được Chính phủ làm rõ, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh chỉ rõ, giải ngân đầu tư công năm 2020 đạt kỷ lục, trong khi các năm trước của nhiệm kỳ 2016 - 2020 đều thấp. Vì vậy, cần làm rõ bài học kinh nghiệm để thúc đẩy giải ngân trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, năm 2020, Chính phủ đặt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế song lại để xảy ra tình trạng tỉnh Hải Dương bị phong tỏa do có dịch khiến hàng hóa nông sản khó tiêu thụ. Trong bối cảnh dịch chưa kết thúc, Chính phủ cần rút kinh nghiệm để tránh lặp lại, ông Dương Quốc Anh lưu ý.

Dù chính sách an sinh xã hội đã đạt nhiều kết quả tích cực song “vẫn bất cập, hạn chế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai bình luận. Bà phân tích, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%, dù đạt chỉ tiêu đặt ra song chưa thật sự bền vững bởi tỷ lệ tái nghèo trong giai đoạn 2016 - 2019 là 4,09%; trung bình cả giai đoạn tỷ lệ hộ nghèo phát sinh bằng 21,8% so với tổng hộ thoát nghèo. Chưa kể, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, nay lại thêm tác động của dịch Covid-19 cùng thiên tai đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp, lộ trình cụ thể nhằm thực thi chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm và bền vững.

Về kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã, bà Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, hiện mới chỉ tập trung đối với hợp tác xã trong nông nghiệp. Dù đã có các chính sách hỗ trợ hợp tác xã song đến nay vẫn chưa có đánh giá thực hiện. Minh chứng là quỹ hỗ trợ hợp tác xã đến năm 2020 mới bố trí được 450 tỷ đồng và thủ tục phức tạp, trong khi vốn huy động tự đóng góp mới đạt trên 300 triệu, nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. “Chính phủ cần làm rõ các vấn đề liên quan hỗ trợ hợp tác xã để bảo đảm chính sách phát triển kinh tế tập thể đi vào cuộc sống”, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai kiến nghị.

Liên quan đến việc thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng không đồng bộ, mâu thuẫn giữa các luật về đất đai, đầu tư, nhà ở… khiến nhiều dự án không triển khai được. Do vậy, Ủy ban Kinh tế nên thành lập đoàn rà soát để kiến nghị Quốc hội có luật điều chỉnh các luật khác trong khi chờ đợi ban hành luật mới. Mặt khác, muốn tăng đầu tư công cho hạ tầng cần tránh dàn trải, lãng phí. Theo đó, “nên ưu tiên trước nhất cho các dự án an ninh quốc phòng, tiếp đến là dự án về biến đổi khí hậu, dự án đường bộ mang tính kết nối các vùng động lực”.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện địa phương nào cũng muốn thành lập khu công nghiệp. Nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến khủng hoảng dư thừa, chưa kể dẫn đến tình trạng sốt đất, giá đền bù tăng lên gây khó khăn trong việc làm dự án. “Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này, bởi nếu không khéo sẽ dẫn đến thiếu đất sản xuất nông nghiệp do chuyển sang đất công nghiệp”, ông cảnh báo.

Từ góc độ địa phương, ông Hoàng Quốc Thưởng xác nhận, dù Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục song “nhiều địa phương đang rất bức xúc” liên quan thủ tục hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp. “Hiện, thủ tục để lập một khu công nghiệp mất ít nhất 2 năm nếu làm quyết liệt. Do đó, cần rà soát thủ tục xem cái nào có thể cắt bỏ để tháo gỡ cho địa phương”.

Mặt khác, muốn xây dựng hạ tầng phải bảo đảm tài nguyên đất, cát để san lấp mặt bằng. Tuy vậy, hiện nay, việc khai thác đất, cát đều bị cấm, trong khi chưa có quy hoạch tổng thể chiến lược về vùng nguyên liệu này. Để triển khai dự án nhiều khi “như đi ăn trộm tài nguyên”. Do vậy, theo đại biểu, cần có chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu, thậm chí nghiên cứu cả nguyên liệu thay thế để làm kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, Nhà nước nên dành nhiều hơn quỹ đất cho công nghiệp. “Nhà nước nên tạo mặt bằng quỹ đất quốc gia để đón lõng các dự án lớn của tập đoàn đa quốc gia thay vì giao cho các địa phương. Bởi về địa phương phải chờ rà soát hiện trạng đất cũng khiến nhà đầu tư chán nản”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nói.

Đan Thanh