Góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Kế thừa, bổ sung, phát triển và có sự thay đổi về tư duy

- Thứ Hai, 26/10/2020, 06:24 - Chia sẻ
Đây là nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, với lĩnh vực kinh tế - xã hội, so với Văn kiện các Đại hội trước, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII thể hiện sự phát triển về tư duy, đồng thời vẫn khẳng định kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Như vậy không coi nhẹ bên nào giữa kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước.
Ảnh: Trung Thành

Trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII lần này, chúng ta không đặt ra quá nhiều vấn đề mới, mà có sự kế thừa, bổ sung và phát triển, nhưng tôi nhận thấy chúng ta có sự thay đổi về tư duy. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, cái gì đã chín, đã rõ, được tổng kết, đánh giá cả về nhận thức và hành động thì đưa vào thành lý luận, thành cơ chế, chính sách, còn cái gì chưa rõ, chưa chín, thì cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm.

Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có những tư duy, nhận thức và điểm nhấn mới, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hiện nay, nước ta đã vượt qua giai đoạn của một nước nghèo, chuyển sang giai đoạn nước có thu nhập trung bình và có vị thế trên trường quốc tế. Như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước là chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như bây giờ. Rõ ràng, với vị thế, tiềm lực và uy tín đó thì tư duy, nhận thức của chúng ta ở tầm mức cao hơn là hợp quy luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội
Phùng Quốc Hiển

Thị trường - yếu tố quyết định, kinh tế nhà nước - định hướng, điều tiết, dẫn dắt

- Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, theo đúng kế hoạch, đầu tuần qua, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Là thành viên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Phó Chủ tịch có thể chia sẻ về những điểm mới nổi bật trong dự thảo các Văn kiện lần này?

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vừa vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn mới 2021 - 2025. Đây là thời điểm chúng ta chuyển tiếp từ việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) sang giai đoạn 10 năm tới (2020 - 2030) và có tầm nhìn đến năm 2045; gắn với hai dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045) với mục tiêu lớn nhất là đến năm 2045, nước ta trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”. Mức thu nhập cao, theo các định chế tài chính trên thế giới, sẽ vào khoảng 18.000 - 20.000 USD/người.

Đây là lần đầu tiên chúng ta xác định một tầm nhìn dài hạn với một mục tiêu cụ thể và cao như vậy. Nếu đạt được mục tiêu này, thì sau 100 năm kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đến 2045, chúng ta sẽ đứng vào vị thế nước phát triển. Đó là điểm mới thứ nhất.

Điểm mới thứ hai là dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được thể hiện mang tính khái quát cao, đánh giá toàn diện, tổng thể, trong đó có những vấn đề vừa có tính kế thừa những kết quả đạt được, tổng kết kinh nghiệm của những giai đoạn trước, đồng thời đưa vào những quan điểm, tư duy mới trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền, giữ vững an ninh - quốc phòng.

- Cụ thể tư duy mới trong lĩnh vực kinh tế - xã hội là gì, thưa Phó Chủ tịch?

- Có nhiều điểm mới, song trước hết, cần nhìn vào một điểm rất quan trọng, đó là tư duy về thu hút, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển KT - XH đất nước. Trong dự thảo các Văn kiện, nội dung này đã có những thay đổi sâu sắc và toàn diện hơn trên cơ sở bám sát, kế thừa Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Dự thảo xác định rõ trong thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực, thì yếu tố thị trường được xác lập một vị trí rất quan trọng, không những đóng vai trò chủ yếu mà thị trường còn đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực, điều tiết sản xuất và lưu thông.

Như vậy, từ Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong phân bổ, sử dụng nguồn lực, đến Đại hội XII khẳng định “kinh tế thị trường là chủ yếu”, so với dự thảo của các Đại hội trước thì dự thảo Văn kiện Đại hội XIII thể hiện sự phát triển về tư duy, đồng thời vẫn khẳng định kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường - như vậy không coi nhẹ bên nào giữa kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước.

Liên quan đến chế độ phân phối, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực phát triển”, và “thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.

Đây chính là 3 trụ cột để phân phối của cải xã hội, đó là: phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế; phân phối theo vốn tham gia vào quá trình sản xuất; và phân phối qua an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Ba trụ cột này hỗ trợ và bổ sung cho nhau, bảo đảm sự phân phối được công bằng hợp lý, giảm khoảng cách thu nhập, phân hóa giàu nghèo…

Trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII, không những nhấn mạnh cả 3 trụ cột, mà có sự cụ thể sâu hơn với trụ cột thứ nhất và thứ ba: phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế; phân phối qua an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Đây là những trụ cột sẽ giải quyết, khắc phục những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường thông qua phân phối, và có thể xem là một điểm nhấn nữa của dự thảo Văn kiện lần này.

Lần đầu tiên “khát vọng” được đưa vào Văn kiện Đại hội

- Đọc dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII, nhiều ý kiến nhận thấy, lần đầu tiên có những cụm từ rất mới, như “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc”. Phó Chủ tịch nhận định như thế nào về điểm mới này?

- Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đưa ra khái niệm định tính, nhưng có ý nghĩa lớn, tạo nên sức mạnh, trong đó có “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm “khát vọng” được đưa vào Văn kiện Đại hội.

Cũng có ý kiến cho rằng, “khát vọng” là khái niệm khó lượng hóa. Nhưng thực tế lại cho thấy, đây chính là sức mạnh. Hãy nhìn vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của chúng ta để hiểu rõ thêm về sức mạnh này. Trong cuộc đọ sức không cân sức ấy, thì điều gì làm nên chiến thắng của chúng ta, trong khi về bom đạn và tiền của thì ta không thể bằng họ? Sức mạnh của chúng ta chính là “những cái không tính, không cân đong đo đếm” được: Tinh thần tự hào dân tộc, anh hùng, bất khuất, ý chí bảo vệ và giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, là sức mạnh dân tộc được hun đúc hàng nghìn năm qua.

Đến dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chủ trương khơi dậy nguồn sức mạnh này ở tầm cao mới: Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng này bắt nguồn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và niềm tin vững chắc vào sự phát triển của Việt Nam trên nền tảng sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới.

Lênin từng nói, “phải biết ước mơ”. Đương nhiên, muốn ước mơ thành sự thật thì phải hành động. Có ước mơ mới có khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên để đạt được mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

-Còn với “hạnh phúc”…, thưa Phó Chủ tịch?

- Với “hạnh phúc”, đây không phải là nhận thức mới. Ngay từ khi lập nước, thì Quốc hiệu của chúng ta là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Với quan điểm nhất quán này, Bác Hồ từng viết: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"[1], trong giai đoạn cách mạng còn nhiều khó khăn, gian khổ, Người vẫn mong muốn: "Dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"[2].

Đến giai đoạn hiện nay, khi nhân dân cơ bản không những “ấm no” mà một bộ phận có nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”, thì phải chăng đã đến lúc đặt “hạnh phúc” ở tầm mức mới, cao hơn, đó là “phồn vinh, hạnh phúc”. Suy cho cùng, thì hạnh phúc chính là một nhu cầu, mong muốn của con người.

Thực tế, giàu (về vật chất) chưa chắc đã hạnh phúc, ngược lại, có người không giàu nhưng vẫn rất hạnh phúc. Vì rằng, dù giàu có bao nhiêu thì sức tiêu thụ cho cá nhân của mỗi người cũng chỉ dừng ở mức độ nhất định. Hiếm ai có thể sử dụng quá 1kg thịt, 2kg lương thực trong một ngày, hay không thể cùng một lúc ngủ ở 2 tòa lâu đài, hoặc sử dụng 2 phương tiện giao thông.

Cho nên, cái cần thiết nhất có thể coi không có giới hạn của con người là văn hóa, tri thức, là nhu cầu hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn. Quốc gia là một xã hội thì ổn định và mọi người cảm thấy hạnh phúc, đó là sức mạnh của quốc gia. Cho nên, dự thảo Văn kiện Đại hội lần này đặt vấn đề “phồn vinh, hạnh phúc”, tôi cho là điểm mới rất có giá trị, rất đáng quý.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

____________

[1] Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ký tên Hồ Chí Minh, đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17.10.1945. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 64)

[2] Bác Hồ nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; công bố trên báo Cứu quốc ngày 21.1.1946. (Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162)

Thanh Tâm thực hiện