Giám sát hoạt động tư pháp

Kết hợp thu thập thông tin với nghe báo cáo

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Giám sát về lĩnh vực tư pháp là việc khó, đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu và kinh nghiệm thực tiễn. Phương thức giám sát thường được Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hòa Bình áp dụng là: Kết hợp chặt chẽ giữa khảo sát thực tế, thu thập thông tin, xem xét hồ sơ tài liệu với nghe báo cáo của đối tượng được giám sát. Để có kết luận giám sát đúng và sát với thực tế, ngoài nghe báo cáo, Đoàn giám sát phải hỏi để biết được thông tin hoặc đưa ra phản biện, yêu cầu giải trình; kết hợp với xem xét các văn bản cần thiết và hồ sơ vụ việc…

Yêu cầu chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hòa Bình đã giám sát khá toàn diện về lĩnh vực tư pháp. Các báo cáo kết quả giám sát đánh giá sát tình hình thực tế, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng, tác động tích cực đến hoạt động tư pháp của cơ quan, tổ chức được giám sát.

Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, giám sát về lĩnh vực tư pháp là việc khó, đòi hỏi đại biểu phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu và kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, quá trình giám sát của Ban đã gặp phải những khó khăn, hạn chế, như: Hình thức giám sát hiện nay chủ yếu vẫn là nghe báo cáo bằng văn bản, việc đối chứng thực tế và kiểm tra hồ sơ, tài liệu còn ít; thời gian tiến hành giám sát ngắn nên khó phát hiện được vấn đề. Việc mời chuyên gia về tư pháp tham gia buổi giám sát còn khó khăn, mới chủ yếu là mời cán bộ của Viện kiểm sát dự buổi giám sát tại một số đơn vị được giám sát, chưa tham gia vào quá trình giám sát. Một số thành viên Ban Pháp chế còn chưa nghiên cứu sâu vấn đề, ngại truy vấn đến cùng những vấn đề gai góc của ngành tư pháp.

Việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế. Việc chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp còn quá ít, chủ yếu là Phó Trưởng ban Pháp chế chuyên trách; ý kiến chất vấn chưa chú trọng và tập trung vào những vấn đề lớn thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan tư pháp theo quy định.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hòa Bình giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị sau giám sát và việc chấp hành quy định của pháp luật về thi hành án dân sự 
Ảnh: Huy Hà

Căn cứ kết luận, kiến nghị

Từ thực tế trên, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát về lĩnh vực tư pháp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan điều tra, Ban Pháp chế HĐND cần lựa chọn nội dung giám sát theo thời điểm cho phù hợp, sát thực tế. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc qua dư luận, báo chí, qua TXCT, tiếp công dân và qua nắm tình hình của tổ đại biểu, đại biểu HĐND để đưa vào chương trình giám sát từ cuối năm trước; những vấn đề mới nảy sinh thì báo cáo Thường trực HĐND đưa vào kế hoạch khảo sát hoặc giám sát đột xuất.

Kế hoạch giám sát nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung giám sát, thành phần, thời gian, địa điểm và tổ chức thực hiện. Trong đó, cần nêu phương pháp giám sát, tiến hành khảo sát tại một số địa phương, đơn vị. Đề cương báo cáo giám sát đúng trọng tâm, đủ thông tin để phục vụ cho nội dung giám sát, cần nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ của đối tượng được giám sát, nắm bắt những thông tin liên quan đến nội dung giám sát qua báo của cơ quan, đơn vị được giám sát, các thông tin phản ảnh trên báo chí, qua TXCT, tiếp công dân, qua đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân. Trao đổi về dự kiến nội dung giám sát với cơ quan hữu quan liên quan với cơ quan, tổ chức được giám sát, đồng thời trao đổi với đối tượng giám sát. 

Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo phải được gửi trước cho đơn vị được giám sát ít nhất là 10 ngày. Người được phân công giúp đoàn giám sát cần kiểm tra để biết chắc đơn vị, địa phương được giám sát đã nhận được kế hoạch và đề cương báo cáo giám sát của đoàn.

Phương thức giám sát đối với các cơ quan tư pháp thường được Ban Pháp chế HĐND tỉnh ưu tiên áp dụng là: Kết hợp chặt chẽ giữa khảo sát thực tế, thu thập thông tin, xem xét hồ sơ tài liệu với nghe báo cáo của đối tượng được giám sát. Để có kết luận giám sát đúng và sát với thực tế, quá trình giám sát, ngoài nghe báo cáo, Đoàn giám sát cần phải hỏi để biết được thông tin hoặc đưa ra ý kiến phản biện, yêu cầu giải trình những vấn đề quan tâm. Đồng thời, kết hợp với xem xét các văn bản cần thiết và hồ sơ các vụ việc mà dư luận, báo chí hoặc công dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo... thu thập thêm thông tin tại các buổi khảo sát thực tế, xem xét xác minh tại chỗ để làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát. 

Ngay sau khi kết thúc cuộc giám sát và làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị giám sát, Đoàn tập trung ngay vào việc xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Báo cáo kết quả giám sát cần có sự trao đổi với đối tượng giám sát và phải được lấy ý kiến đóng góp của thành viên Đoàn. Báo cáo phải được các thành viên Đoàn giám sát nhất trí, nếu nội dung nào còn có ý kiến khác nhau thì trao đổi làm rõ và Trưởng đoàn sẽ quyết định. Báo cáo kết quả giám sát bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là phải chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cụ thể, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; nêu ra được những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, phù hợp, có khả thi để các cơ quan tổ chức thực hiện được.

Để có hiệu quả trên thực tế, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị phải luôn được theo dõi, nắm bắt và kịp thời đôn đốc thường xuyên với nhiều hình thức: Đôn đốc, nhắc nhở tại các cuộc họp, các buổi làm việc; khảo sát kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát tại các đơn vị đã giám sát; khảo sát tại đơn vị có kiến nghị cần phải khắc phục tồn tại, hạn chế; kết hợp giám sát mới để nghe báo cáo về việc thực hiện kiến nghị giám sát cũ... Việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát chỉ chấm dứt khi các cơ quan, đơn vị thực hiện triệt để các kiến nghị nêu tại báo cáo giám sát. Trước các kỳ họp thường kỳ của HĐND, Ban cần tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của các cơ quan đơn vị, báo cáo Thường trực HĐND trình HĐND.

PHẠM THANH