Hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Hưng Yên

Kết nối, chia sẻ thông tin

- Thứ Ba, 17/08/2021, 06:28 - Chia sẻ
Có phương án cụ thể để kết nối các cơ quan có liên quan với doanh nghiệp để tạo thành hệ thống xuyên suốt; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo quy định; đặc biệt, cho phép các địa phương linh hoạt về phương pháp, cách thức triển khai để phù hợp với yếu tố vùng miền của từng địa phương... là đề xuất của Hưng Yên khi tổ chức triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Văn phòng giao dịch Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên tiếp nhận, hướng dẫn người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ

Chủ động triển khai

Thực hiện Nghị Quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 2707/KH-SLĐTBXH để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên thực hiện việc tiếp nhận hướng dẫn và thẩm định hồ sơ của 2 nhóm đối tượng gồm: Doanh nghiệp và người sử dụng lao động có nhu cầu đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động để tái cơ cấu sản xuất do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 với số tiền hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/tháng và tối đa là 6 tháng; Người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người và hưởng 1 lần.

Với phương châm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phương pháp thực hiện, Trung tâm đã phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các xã, phường trên địa bàn tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền cho người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thụ hưởng; đồng thời thành lập tổ giúp việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 thường trực 24/24 giờ, kịp thời giải đáp những vướng mắc của các đối tượng thụ hưởng.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên Đặng Thái Quyên cho biết, tính từ 1.5.2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên đã nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của đối tượng thụ hưởng chính sách qua website, Zalo, Facebook… của Trung tâm. Đồng thời, tiếp nhận hơn 20 hồ sơ của đối tượng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đề nghị hưởng chính sách.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tư vấn, học nghề cho 16.000 lao động. Trong đó, đã giới thiệu, kết nối việc làm cho 1.000 lao động thất nghiệp có việc làm mới. Đồng thời, phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận và giải quyết cho 4.000 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền gần 59 tỷ đồng. 

Gỡ vướng thủ tục hành chính

Có thể thấy, Nghị Quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là kịp thời, nhân văn; song thực tiễn triển khai cho thấy quá trình tiếp nhận, hướng dẫn và thẩm định hồ sơ còn gặp một số khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính. Đây chính là rào cản lớn đối với đối tượng thụ hưởng khi tham gia nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách.

Đơn cử, đối với doanh nghiệp, hiện rất ít các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo kỹ năng nghề cho công nhân để tái cơ cấu nộp hồ sơ. Bởi lẽ, theo Quyết định số 23/QĐ- TTg, ngoài việc phải có xác nhận của cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội… thì doanh nghiệp cần phải có xác nhận là dừng, hoặc ảnh hưởng nặng nề với dịch Covid-19 của các cấp có thẩm quyền. Trong khi đó, hiện chưa thống nhất được cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận. Hơn thế, việc dạy nghề cho lao động trong thời gian dịch Covid-19 không khả thi vì các quy định liên quan đến phòng chống dịch và không thể dạy online vì tính hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang cần nhân lực để sản xuất và kinh doanh nên nhu cầu đào tạo kỹ năng nghề là rất ít.

Hay, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hồ sơ đề nghị hưởng chính sách ngoài xác nhận của doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội… người lao động phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ngành nghề có quy định cụ thể như giáo viên mầm non, các trường tư thục… có quyết định dừng hoạt động để phòng chống dịch thì rất ít các doanh nghiệp có quyết định như yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên, anh Cà Văn Loai và anh Quàng Văn Tại đều là công nhân của Nhà máy Thép tiền chế VicCo (Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên) chia sẻ, “Chúng em đều từ Sơn La xuống làm công nhân ở Nhà máy Thép tiền chế VicCo. Bình thường có việc làm thì mỗi tháng cũng tiết kiệm được 2 triệu gửi về cho gia đình. Giờ do dịch, công ty không có việc làm nên cho chúng em nghỉ việc từ 5.8. Bây  giờ  đến  Trung  tâm  làm  thủ  tục  trợ  cấp thì biết có yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy xin dừng việc vì dịch".

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên Đặng Thái Quyên đề nghị, để người sử dụng lao động, người lao động có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; Có phương án cụ thể để kết nối các cơ quan có liên quan với doanh nghiệp để tạo thành hệ thống xuyên suốt; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo quy định; đặc biệt cho phép các địa phương linh hoạt về phương pháp, cách thức triển khai để phù hợp với yếu tố vùng miền của từng địa phương”.

T.Yến - N.Ngân