Kết nối cung cầu lao động về từ vùng dịch

- Thứ Hai, 25/10/2021, 07:08 - Chia sẻ
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, nhất là tại các tỉnh phía Nam, Nghệ An đã đón hơn 87.000 người từ vùng dịch trở về quê hương. Tỉnh đã thống kê, rà soát có 66.000/87.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó nhu cầu làm việc trong tỉnh là 21.661 người. Làm thế nào để kết nối được giữa doanh nghiệp và người lao động là vấn đề được quan tâm.
	Nhiều vị trí việc làm đang chờ người lao động Nguồn: ITN
Nhiều vị trí việc làm đang chờ người lao động
Nguồn: ITN

Nhu cầu việc làm lớn 

Qua khảo sát, hiện Nghệ An có hơn 256.000 người đang sinh sống, học tập và làm việc lưu trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, hơn 165.000 người chủ yếu là lao động trẻ, tập trung ở nhóm tuổi 15 - 35, đang làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ đầu năm đến nay, nhiều công dân, người lao động Nghệ An đang sinh sống, học tập và làm việc ở ngoại tỉnh ồ ạt trở về. Trong 87.000 công dân đã trở về, chiếm 75,95% là trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu giải quyết việc làm, đã có 45.292 người đến đăng ký nhu cầu tìm việc với chính quyền cơ sở. Trong đó nhu cầu làm việc trong tỉnh là 21.661 người, số người mong muốn ra làm việc ngoại tỉnh sau hết dịch là 20.749 người, số mong muốn đi làm việc ở nước ngoài là 2.882 người. 

Cũng theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Trung tâm dịch vụ việc làm, UBND các huyện, thành phố, thị xã... nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 30.000 vị trí việc làm. Một số doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn, có thể tiếp nhận ngay hàng nghìn lao động. Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, ngành lao động đã phân theo nhóm theo độ tuổi, chuyên môn nghề nghiệp, nhu cầu việc làm, từ đó kết nối đến các doanh nghiệp có nhu cầu. 

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 có gần 10.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An với trên 140 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn chờ người lao động

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện nhu cầu của doanh nghiệp đối với lực lượng lao động là rất lớn, 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần tới 15.337 vị trí việc làm. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lê Hải Dương cho biết: Hiện Trung tâm triển khai nhiều giải pháp cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua môi trường mạng như Cổng thông tin việc làm, các trang mạng xã hội như Facebook, Fanpage; triển khai hoạt động nhóm Zalo “Hỗ trợ việc làm - Covid-19”, kết nối với các huyện, xã trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho các cán bộ đầu mối; và phối hợp với các địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền qua hệ thống phát thanh địa phương. 

Bà Trần Thị Huyền, phụ trách nhân sự Công ty CP MATSUOKA - nhà máy về may mặc đóng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, doanh nghiệp đăng ký tuyển 1.300 việc làm cho các vị trí. Tuy nhiên, hiện mới nhận được 30% lượng hồ sơ ứng tuyển. Cũng trong tình trạng chờ ứng viên, Phụ trách nhân sự Công ty TNHH MAREEP Cao Thu Thảo cũng cho biết, cũng đăng ký tuyển 3.000 lao động, tuy nhiên hiện mới chỉ nhận được 500 hồ sơ, những người có tay nghề đã được vào làm việc, một số chưa làm tốt đang được đào tạo tại chỗ trong nhà xưởng theo phương pháp cầm tay chỉ việc và sớm đưa vào dây chuyền sản xuất.

Ngoài các công ty may - nơi thường có nhu cầu sử dụng lao động lớn thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực linh kiện điện tử cũng có nhu cầu cao như Công ty LUXSHARE-ICT chuyên về điện tử có nhà máy ở huyện Hưng Nguyên đăng ký tuyển 1.000 lao động, Công ty TNHH KIDO Vinh đang sản xuất tại huyện Đô Lương… cũng đăng ký nhận tuyển 1.000 lao động.

Từ phản ánh trên cho thấy, cung và cầu lao động trên địa bàn chưa gặp nhau. Mặc dù, số lượng người trở về, thất nghiệp là tương đối lớn, nhưng số lượng hồ sơ ứng tuyển cũng chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân, song có thể thấy là việc tiếp cận thông tin về lao động việc làm chưa hiệu quả, bên cạnh đó không phải người lao động nào cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, phần lớn phải qua đào tạo lại. Trong khi đó việc tiếp cận các nguồn kinh phí đào tạo lại không phải người lao động nào cũng được tiếp cận, cũng được biết đến thông tin này, nhất là khi những người lao động trở về là lao động tự do.

Điều này đòi hỏi bên cạnh sự vào cuộc của các trung tâm hỗ trợ việc làm ở các huyện, thị, thì cần rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động từ vùng dịch trở về từ cho vay vốn, đến hỗ trợ kinh phí học nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có cách tiếp cận đối với người lao động. Thực tế cho thấy, không ít người lao động rất mơ hồ về thông tin tuyển dụng, đi làm ăn xa nhiều khi đi theo phong trào, người nhà rủ nhau đi, mà cũng chưa có định hướng làm nghề gì? nghề đó có yêu cầu phải qua đào tạo không?

Từ Thức