Kết nối theo cách mới

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 07:24 - Chia sẻ
“Cái gì không biết thì tra Google”. internet và công nghệ số đang giúp người Việt tiếp cận đến tri thức toàn nhân loại.

Cùng với đó, có một sự chuyển dịch gợi ra nhiều hàm ý cho những người làm chính sách. Đó là việc công nghệ đưa một thế hệ doanh nhân, kỹ sư công nghệ, người nghiên cứu gốc Việt ở các nước phát triển có những kết nối theo cách mới và đóng góp thiết thực mới cho đất nước.

Thế hệ các trí thức và chuyên gia Việt kiều trước đây chủ yếu làm trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và chưa có điều kiện đóng góp như tiềm năng họ có cho Việt Nam. Nhờ công nghệ số, điều đó đã thay đổi. Những tài năng người Việt làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu về nước khởi nghiệp hoặc vẫn ở nước ngoài nhưng đóng góp lớn thông qua cộng tác với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Môi trường doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Đại học Fulbright, và nhiều công ty công nghệ tạo “đất mới” cho họ.

Phần đỉnh của tảng băng là những gương mặt nổi trội trong những ngành “hot” nhất của giới công nghệ - trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu - như TS. Lê Viết Quốc, Trưởng nhóm trí tuệ nhân tạo Google Brain của Google hay TS. Vũ Hà Văn ở VinAi… Phần chìm lớn hơn, ý nghĩa hơn là đông đảo nhân lực Việt đã du học, được đào tạo, hoặc làm việc trong các trường đại học ở nước phát triển; có thời gian làm việc ở các nước phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, thương mại… Giờ họ - hoặc vẫn làm việc ở nước ngoài, hoặc đã về nước khởi nghiệp và vẫn duy trì sự kết nối với thế giới. Nguồn lực này sẽ đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển đột phá của nền kinh tế số trong nước nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung.

nghìn du học sinh người Việt Nam, tăng 15 lần trong 9 năm qua. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng trong đó số nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ước tính lên tới 3.000 người, và có ít nhất 1.000 người đã lấy bằng tiến sĩ và đang nghiên cứu theo chế độ hậu tiến sĩ. Theo GS. Trần Văn Thọ, người sống và làm việc tại Nhật Bản từ năm 1968 và hiện là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đây là con số rất lớn! Vị giáo sư vốn là cố vấn cho cả Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản tin rằng, chỉ cần một nửa trong số đó trở về nước làm việc ở các đại học, viện nghiên cứu hay các cơ quan, doanh nghiệp; và số còn lại vừa làm việc ở Nhật Bản vừa kết nối với các đơn vị trong nước thì tri thức khoa học và kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản sẽ đóng góp to lớn vào việc phát triển đất nước.

Nghị quyết Đại hội Xiii của Đảng xác định kinh tế số là một động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng và phát triển. Đây là một lựa chọn xác đáng khi mà bối cảnh thế giới hiện nay đã thay đổi căn bản so với đầu những năm 1990, thời điểm đất nước bước vào Đổi mới. Khái niệm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp sản xuất - chế tạo đã không còn phù hợp với Việt Nam nữa. Có nhiều yếu tố cho thấy sẽ thực tế hơn nếu một Việt Nam hiện đại và phát triển của 2045 gắn liền với công nghệ số, dịch vụ số. Và trên lối đi này, nếu muốn về đích nhanh hơn, chúng ta cần khai thác được, tận dụng được nhân tài người Việt - cả phần đỉnh và phần chìm như nhắc tới ở trên.

Ví dụ, khi xử lý các vấn đề pháp lý phức tạp nảy sinh do công nghệ số mang lại như tiền kỹ thuật số, thương mại số, kiểm soát trí tuệ nhân tạo… từng đại biểu và mỗi ủy ban của Quốc hội chắc chắn cần đến kiến thức chuyên môn và sự tư vấn, góp ý từ các chuyên gia khắp toàn cầu - trong đó có các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài. Việc đưa công nghệ (các công cụ tương tác trực tuyến) vào hoạt động tham vấn, lấy ý kiến, chất vấn và điều trần chính sách là kênh huy động hiệu quả nguồn lực tri thức này.

Rất tiếc là cho đến nay dù đã có nhiều chủ trương khuyến khích trí thức và chuyên gia Việt kiều đóng góp cho đất nước nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Biến chủ trương đó thành những chính sách, chiến lược cụ thể và hiệu quả rõ ràng là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ này nhằm tạo ra nền tảng quan trọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045.

Cẩm Phô