Kết nối tiêu thụ nông sản Đồng Tháp

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 07:22 - Chia sẻ
Đồng Tháp có nhiều lợi thế về nông sản, thủy sản nhưng dịch Covid-19 kéo dài khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp” ngày 16.10, đa số doanh nghiệp cam kết sẵn sàng hỗ trợ tỉnh tiêu thụ nông sản và nhấn mạnh, đáng lo là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra.

Tồn 30 nghìn tấn thủy sản

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp cho biết, thế mạnh của tỉnh là lúa gạo và thủy sản. Sản lượng lúa hàng năm trên 3,37 triệu tấn, chủ yếu là loại chất lượng, đặc sản, lúa nếp giá trị cao. Ngoài ra, 3 tháng cuối năm nay, tỉnh có khoảng 21.000 tấn xoài VietGAP, GobalGAP... Diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5.600ha, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tấn. Tổng đàn vịt hiện có khoảng 5 triệu con, lượng trứng đến cuối năm khoảng 120 triệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa. Hiện, địa phương tồn 30.000 tấn thủy sản, trong đó có 20.000  tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè.

“Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là trái cây tươi, vì vậy đã sớm hợp tác, liên kết với Đồng Tháp về xoài, nhãn, sầu riêng”, Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng chia sẻ. Tuy nhiên, hiện có 4 khó khăn. Thứ nhất, về thời gian vận chuyển, hàng xuất Mỹ vận chuyển hơn 3 tuần, nhưng mất thêm 3 tuần nữa để nhập kho do hải quan chỉ làm việc 50%. Thứ hai, chất lượng trái cây của tỉnh không bằng mọi năm, không bảo đảm được khâu chăm sóc, có thể dẫn tới thiếu hàng xuất khẩu. Thứ ba, Đồng Tháp đang tái cơ cấu cây trồng, từ nhãn sang sầu riêng, nhưng hiện sầu riêng chưa xuất được chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ tư, người dân chưa có nhiều thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường.

Để tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản Đồng Tháp, ông Tùng kiến nghị cần tích cực đàm phán để sầu riêng xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Địa phương cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu. Vina T&T sẵn sàng làm cầu nối giúp nông dân, Hợp tác xã đưa hàng vào siêu thị, giúp giảm chi phí, bảo đảm cả nội tiêu lẫn xuất khẩu. Ông Tùng cam kết gửi thông tin về các đơn vị thu mua, tiêu chuẩn kỹ thuật cho các huyện, các vựa trái cây của Đồng Tháp trong thời gian tới. Công ty cũng dự định kết hợp đưa các đoàn khách quốc tế du lịch, tham quan vườn trồng, đặc sản vùng miền tại Đồng Tháp.

Nguồn: ITN

Không lo đầu ra

“Mít của Đồng Tháp được khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao. Sắp tới, Công ty Chánh Thu sẽ xây dựng điểm thu mua tại Đồng Tháp cho 3 sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít”, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay nằm ở việc đưa nông dân vào quy trình canh tác chuẩn, theo tiêu chuẩn cao để có thể đưa nông sản đến với các thị trường cao cấp hơn như châu Âu. Đáng lo là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra cho nông sản, công ty rất muốn cùng bà con xây dựng mô hình liên kết bền vững, những hợp tác xã này sẽ trở thành chi nhánh của công ty tại Đồng Tháp, bà Vy nhấn mạnh.

Tương tự, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam Paul Le cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, trong đó ở Đồng Tháp có cá ba sa, gạo, đặc biệt là xoài… "Tuy vậy, vài tháng trước, chúng tôi đến Đồng Tháp và cảm thấy chưa hài lòng khi sản phẩm trong siêu thị chất lượng không cao như trong các nhà vườn”. Để kết nối người tiêu dùng, nâng cao chất lượng, quảng báo thương hiệu cho nông sản hấp dẫn này, ông Paul Le đề xuất tổ chức lễ hội xoài Đồng Tháp.

Tán thành tổ chức Lễ hội Xoài Đồng Tháp dự kiến vào cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam yêu cầu tìm phương án phát triển du lịch cộng đồng, tập trung vào mô hình ở làng hoa Sa Đéc. Riêng với các sản phẩm OCOP, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình này và chuẩn bị cho Diễn đàn các sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với Bộ Ngoại giao để phối hợp, đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường nước ngoài, có thể làm quà tặng trong các chuyến công tác quốc tế”, ông Nam cho biết.

Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp cam kết phối hợp chặt chẽ quản lý sản xuất, kinh doanh nông sản, kết nối chặt chẽ đầu vào - đầu ra giúp bà con nông dân. Tỉnh sẽ lên kế hoạch và tổ chức diễn đàn OCOP, đồng thời có những chính sách phát huy tối đa lợi thế của những sản phẩm chất lượng này.

Hạnh Nhung