Giao dịch việc làm trực tuyến

Kết nối việc làm thời Covid

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:29 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động thất nghiệp, tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp không tuyển được lao động, buộc phải tuyển lao động phổ thông để đào tạo. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối hàng triệu việc làm cho lao động.
Tuyển dụng trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang căng thẳng hiện nay
Nguồn: ITN

Phương thức tối ưu thời giãn cách

Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm online là hoạt động phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh khó kiểm soát như hiện nay. Người lao động có thể kết nối với các đơn vị tuyển dụng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau... ngay ở nhà mình. Từ lợi thế này, mới đây 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các địa phương gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Theo đó, phiên giao dịch việc làm đã thu hút được 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề điện tử, may mặc, sản xuất nhựa… 

Tại phiên giao dịch, có tổng số 232 lao động tham gia vào các luồng phỏng vấn với nhà tuyển dụng ở các địa phương khác nhau. Trong đó, Hải Dương và Thái Nguyên là 2 địa phương có nhiều lao động tham gia phỏng vấn online đi các tỉnh khác; Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên là các địa phương được nhiều lao động lựa chọn phỏng vấn để đến làm việc. Kết quả, đã có 91 lao động trúng tuyển ngay trong ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm, có 73 lao động được hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp. Phiên giao dịch này đã góp phần hỗ trợ tuyển dụng, giúp các doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, dần hình thành sự liên thông thị trường giữa các địa phương giúp lao động tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng rộng hơn, nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thế Hùng cho biết, đây là phương thức giới thiệu việc làm đơn giản nhưng kết quả đạt được rất tích cực. Cách thức hoạt động được diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác qua lại trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm. Còn về phía người lao động, chỉ cần một phương tiện có kết nối internet (máy tính hoặc điện thoại…) là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn online. Với giải pháp này, trong 6 tháng đầu năm, Phú Thọ đã giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã phối hợp cùng các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tham gia với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… tổ chức những ngày hội việc làm trực tuyến, thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham gia/ngày hội, với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 30.000 vị trí việc làm, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và may mặc…

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ ngày 26.7.2021 chuyển sang hình thức trực tuyến. Dù hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế vì thói quen tìm việc của người lao động theo lối cũ, nhưng đây là hình thức hiệu quả mà ít tốn kém. Chính vì vậy, tới đây Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất cũng như đổi mới phương thức để kết nối doanh nghiệp và người lao động được nhiều hơn.

Nhận thấy lợi thế mà giao dịch việc làm trực tuyến đem lại cũng như việc chuyển đổi số để thích ứng với dịch, nhiều trường học cũng bắt đầu tham gia vào sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Với phương châm không để sinh viên ra trường thiếu việc làm, Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Dù là lần đầu tiên trường tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng đã thu hút 126 doanh nghiệp tham gia, gần 3.700 vị trí việc làm được kết nối ở tất cả các khối ngành đào tạo của nhà trường.

Rõ ràng, hiệu quả việc tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến là giải pháp hiệu quả trước bối cảnh dịch Covid-19. Và đây sẽ mô hình phù hợp để đáp ứng với kỷ nguyên số 4.0 tới đây. Chính vì vậy, cần có những chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm; chính sách khuyến khích xã hội hóa thu hút nguồn lực xây dựng được hệ thống trung gian giới thiệu việc làm hiện đại và chuyên nghiệp.

Thái Yến