Thực hiện Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BOT:

Khắc phục bất cập từ văn bản hướng dẫn

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:51 - Chia sẻ
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), Ủy ban Kinh tế ghi nhận, các nhóm nhiệm vụ đều đã được thực hiện quyết liệt, từng bước khắc phục được những hạn chế, vướng mắc. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, cần nhanh chóng khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện, nhất là bất cập do các văn bản hướng dẫn gây ra.

Đã triển khai cả 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Thực tế, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ nhà đầu tư, dư luận xã hội vẫn có nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức này. Do vậy, để có đánh giá chính xác việc thực hiện Nghị quyết sau giám sát chuyên đề này, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Đoàn giám sát làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, một số địa phương và một số nhà đầu tư về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết.

	Đường dẫn vào hầm đường bộ Đèo Cả đang phát huy tác dụng tốt Nguồn: ITN
Đường dẫn vào hầm đường bộ Đèo Cả đang phát huy tác dụng tốt
Nguồn: ITN

Ghi nhận từ kết quả các cuộc làm việc, Ủy ban Kinh tế cho biết, về cơ bản, cả 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 437 đều đã được chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, từng bước khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải toả bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó, đã thực hiện nghiêm quy định không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT - vốn là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, bất cập thời gian qua đối với hình thức đầu tư này để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án và các giải pháp xử lý nhằm thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước; xây dựng các Đề án tăng cường kết nối giao thông trong một số khu vực trọng điểm, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu công khai; đã và đang thực hiện quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí chính thức cho các dự án BOT; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư; rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm thu phí, và hiện đã tháo gỡ xong vướng mắc của 6 trạm thu phí. Hệ thống thu phí tự động không dừng đã được triển khai tại các trạm thu phí tạo thuận lợi cho các phương tiện khi tham gia giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, sự phối, kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thường xuyên, kịp thời hơn; công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện công khai, minh bạch đã góp phần tạo sự đồng thuận của người dân, ổn định trật tự khu vực dự án.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, qua quá trình làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, một số địa phương và nhà đầu tư, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, còn 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt tiến độ đề ra. Trong đó, đến nay vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Một số dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành song đến nay vẫn chưa hoàn thành quyết toán toàn bộ cho những dự án này để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí dịch vụ chính thức.

Cũng liên quan đến công tác quyết toán với dự án đã hoàn thành, Ủy ban Kinh tế lưu ý, cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quyết toán thu, chi, các thông số tài chính dự án và quyết toán dự án. Do vậy, các dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán toàn bộ dự án làm cơ sở để điều chỉnh thời gian thu phí.

Trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt tiến độ, việc triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước (nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ năm) nổi lên hạn chế liên quan đến văn bản quy phạm pháp pháp luật hướng dẫn thực hiện công tác này.

Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế, việc triển khai các trạm thu phí tự động không dừng (ETC) đã cơ bản hoàn thành, trừ 4 trạm do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý do vướng mắc về nguồn vốn, phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định cơ cấu lại các dự án; 8 trạm không đủ điều kiện triển khai; các trạm thu phí do UBND tỉnh Cà Mau quản lý có quy mô nhỏ, lưu lượng xe ô tô không nhiều, chủ yếu là xe mô tô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo tính khả thi.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo nhưng tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng vẫn chậm hơn 2 năm so với yêu cầu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, nguyên nhân của việc chậm trễ là do tổ chức thực hiện chưa hợp lý, chưa đúng tinh thần “bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí” quy định tại Nghị quyết số 437, dẫn đến chưa nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà đầu tư BOT. Cơ quan nhà nước đã ban hành một số quy định chưa hợp lý mang tính chất bắt buộc như việc bàn giao trạm thu phí, ký kết hợp đồng giữa cơ quan nhà nước, nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC,… chưa bảo đảm được sự bình đẳng giữa các đối tác tham gia ký kết hợp đồng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, làm giảm niềm tin ở các nhà đầu tư.

Hơn nữa, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư khai thác hệ thống ETC sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thu phí của dự án, ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người dân. Do đó, nếu không khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập về thực hiện thu phí ETC hiện hành sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn xã hội vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sắp tới.

Chất lượng dịch vụ hệ thống ETC cũng được nhận định là chưa được bảo đảm. Thời gian đầu, hệ thống ETC còn trục trặc do công tác phối hợp, xảy ra lỗi kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ, gây bức xúc cho người sử dụng như: không nhận dạng được thẻ, không trừ tiền phí khi xe qua trạm, hệ thống đọc chéo làn dẫn tới sai phân loại, mệnh giá tiền, nhận dạng sai phương tiện... Trên thực tế, hiện tỷ lệ xe dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn thấp, chỉ khoảng 30% (đạt 1,2 triệu/4 triệu xe). Trong các xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ này cũng mới có khoảng 50% tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt tiến độ đề ra cũng có một số nhiệm vụ khó, cần có thời gian để các bên liên quan cùng làm việc, thống nhất phương án xử lý. Nhưng với những nhiệm vụ bị ảnh hưởng bởi văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện có bất cập thì phải tiến hành khắc phục khẩn trương, để làm gương cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Hơn nữa, việc nhanh chóng khắc phục bất cập từ phía cơ quan quản lý sẽ giúp thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức BOT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội như tác động của một số công trình giao thông đầu tư theo hình thức này thể hiện trong những năm gần đây.  

Thanh Hải