Khắc phục bất cập về nhân lực y tế cơ sở

- Thứ Tư, 10/11/2021, 12:11 - Chia sẻ

Đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Trần Kim Yến cho biết, những ngày gần đây y tế cơ sở là cụm từ rất nóng, thực ra đây không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập rất nhiều lần trước đây. Ngày 5.11.2021 Chính phủ đã có văn bản 1541 trong đó có nêu một số chính sách quy định nhằm tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực y tế, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại cơ sở.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các chính sách nêu trên chưa phát huy hiệu quả trên thực tiễn, đã bộc lộ những hạn chế bất cập nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đối với y tế cơ sở. ĐBQH đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên, kể cả những kiến nghị mà Ủy ban Xã hội Khóa XIV đã nêu tại kết luận số 1470 ngày 7.8.2018. Đồng thời, về nhân lực của ngành y tế, đại biểu nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ rất thấp, chỉ 1,8, trong khi yêu cầu tối thiểu là từ 3 – 3,5 điều dưỡng viên/bác sĩ. Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục vấn đề đào tạo nhân lực y tế?

ĐBQH Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn. Ảnh: Nhật Phương
ĐBQH Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn
Ảnh: Nhật Phương

Đối với vấn đề nhân lực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc sử dụng nhân lực vẫn còn có hạn chế. Theo quy định chung và theo Nghị quyết TW 20, 1 bác sĩ phải có từ 3 – 3,5 điều dưỡng viên thì mới có thể chăm sóc toàn diện. Tuy nhiên, nước ta chưa đạt được tỷ lệ này vì vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về hệ thống y tế. Theo đó, hiện nay nhiều bệnh viện đã chuyển sang cơ chế tự chủ, vì vậy việc tuyển dụng làm việc trong các cơ sở y tế còn khó khăn. Mặt khác, chúng ta chưa tính đúng tính đủ về giá hiện nay và giá dịch vụ y tế vẫn đang đứng thứ 2 trong số những yếu tố cấu thành giá nên chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, tới đây làm sao tăng giá dịch vụ y tế để bảo đảm nhân lực y tế một cách toàn diện, đồng thời có những giải pháp để bảo đảm các yêu cầu tiếp theo của vấn đề này. Cùng với đó, tăng cường chất lượng đào tạo; tăng cường tỷ lệ sử dụng và sắp xếp việc đào tạo và sử dụng nhân lực tại các bệnh viện một cách phù hợp  và có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, nước ta đã có chương trình đổi mới căn bản toàn diện đối với việc đào tạo của ngành y tế như đào tạo bác sĩ y khoa, bác sĩ y tế dự phòng, đào tạo các vấn đề khác. Tuy nhiên, thực tế đặt ra hiện nay là dù bác sĩ đào tạo 6 năm, tới đây là 9 năm, nhưng khi ra trường chỉ hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung). Vì vậy khi Chính phủ ban hành quy định một bác sĩ khi học 6 năm ra trường sẽ được hưởng lương ở mức độ 2, song quy định này chưa được áp dụng. Thời gian tới sẽ được triển khai thực hiện để bảo đảm việc thu hút nhân lực, cũng như bảo đảm việc đào tạo và sử dụng nhân lực y tế phù hợp.

LÊ HOA