Phát triển hệ thống GDNN

Khắc phục khó khăn, khẳng định vị thế

- Thứ Hai, 15/11/2021, 13:30 - Chia sẻ
Sáng ngày 14.11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, các bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20.11. Tại cuộc gặp mặt, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã chia sẻ suy nghĩ, đưa ra những giải pháp, kiến nghị góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống GDNN, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong thời đại mới.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ:
Cầnchính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện

Thầy Dương Quý Sỹ mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù
Thầy Dương Quý Sỹ phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt

Qua 30 năm công tác, tôi vẫn luôn tâm niệm, bất kỳ dù ở vị trí nào cũng cần cống hiến, đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Tôi xin đề xuất một số giải pháp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ban, ngành, hệ thống chính trị cho giáo dục nghề nghiệp, các thầy cô trong các trường giáo dục nghề nghiệp trên cả nước có những chính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện, bao trùm, đặc biệt là thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tình hình mới hiện nay.

Tôi rất rất xúc động với sự nêu gương, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đã truyền cảm hứng cho chúng tôi noi gương theo. Rất mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng yếu thế, ở các trường dân tộc nội trú, những ngành nghề đặc biệt… Mong rằng, chúng ta có những chính sách thu hút nhân tài, cũng như có những mô hình mới để phát triển các trung tâm đào tạo nghề quốc gia, hình thành hệ thống liên kết trong giáo dục nghề nghiệp, để lực lượng lao động ngang tầm với khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đồng hành, dành tình cảm cho giáo giục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên đóng góp hơn nữa, phấn đấu đạt được “mục tiêu kép” trong bối cảnh hiện nay.

Thầy Nguyễn Khánh Cường, Trường Cao Đẳng Công nghệ Lilama2, tỉnh Đồng Nai:
Vượt khó, thực hiện phương châm “3 tại chỗ”

Đợt dịch vừa qua, tỉnh Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh, đặc biệt tại nhiều khu công nghiệp. Các học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các em năm nay tốt nghiệp. Việc học, dạy và đào tạo nghề cần thực hành mới có thể triển khai được. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức dạy học “3 tại chỗ” để khắc phục những khó khăn, thể hiện được tinh thần cùng ăn, ở và hướng dẫn sinh viên học.

Bên cạnh đó, trường chúng tôi được Chính phủ Đức hỗ trợ để xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề của đất nước, chúng tôi đã đào tạo được nhiều nhân lực cao cấp cho các tập đoàn quốc tế lớn. Trường cũng có trên 50 giáo viên dạy nghề đạt chứng chỉ đạo tạo nghề của Đức.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang Cao Thị Tiếng: Giáo dục hòa nhập là đỉnh cao của giáo dục

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang, Cô Cao Thị Tiếng
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang Cao Thị Tiếng 

Giáo dục hòa nhập là đỉnh cao của giáo dục, để nhiều em được đến trường hơn, ít nhất là giúp các em tự phục vụ được bản thân mình. Tôi kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn về vấn đề định mức lao động, biên chế của các trung tâm giáo dục hòa nhập, bởi hiện chưa có văn bản pháp quy quy định về nội dung này.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai, thầy Hoàng Quang Đạt:
Đưa giáo dục nghề nghiệp lên những đỉnh cao mới

Thầy Hoàng Quang Đạt- Hệ thống GDNN đã đào tạo ra hàng chục triệu người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến.jpeg
Thầy Hoàng Quang Đạt chia sẻ tại buổi gặp mặt

Trong những năm qua, GDNN Việt Nam đã và đang ngày đêm miệt mài đào tạo hàng chục triệu công nhân kỹ thuật và người lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ở khu vực miền núi phía Bắc với đặc thù là địa hình phân bậc và chia cắt mạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế - xã hội, khó khăn trong tiếp cận giáo dục và khoa học kỹ thuật tiên tiến, các nhà trường GDNN đã tổ chức hàng nghìn lớp dạy nghề đến các làng, bản, vùng núi, vùng sâu và thành quả thu được thật đáng khích lệ.

Việc mang nghề đến nông thôn còn có đóng góp không nhỏ giúp đồng bào ổn định kinh tế, giảm thiểu di cư tự do, giảm thiểu nạn phá rừng trái phép, giúp cho hàng chục triệu người dân vùng núi có cuộc sống phát triển và ổn định.

Chúng tôi hiểu rằng, đó là kết quả của sự quan tâm với chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với GDNN. Điều này được thể hiện bằng những nghị quyết, cơ chế chính sách để GDNN khắc phục khó khăn, vươn lên ngày càng khẳng định vị thế của mình với bạn bè quốc tế và khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới những gian lao vất vả của các thầy, cô giáo trong hệ thống GDNN đang ngày đêm tận tụy với công việc của mình. Trước những yêu cầu lớn lao từ thực tế đặt ra đòi hỏi GDNN của đất nước trong những năm tới cần đột phá mạnh mẽ để vươn lên đào tạo ra những cán bộ kỹ thuật có trình độ, kiến thức kỹ năng để phát triển kinh tế - xã hội, song hành cùng sự phát triển của đất nước, song hành cùng sự phát triển của dân tộc.

Tôi xin kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết như quy hoạch mạng lưới các trường nghề phù hợp với Quy hoạch quốc gia, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong quy hoạch Quốc gia. Xây dựng chiến lược đào tạo nghề quốc gia và các dự án thành phần, có cơ chế, có lộ trình chi tiết, có đích đến là người lao động Việt Nam giỏi nghề, có năng lực làm việc tốt trong và ngoài nước. Xây dựng cơ chế cụ thể, chi tiết và thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực thành lập cơ sở GDNN; tham gia đào tạo nghề cùng các trường nghề; tuyển dụng lao động. Cùng với đó, cần ban hành Nghị định về đặt hàng đào tạo với những ngành nghề trọng điểm quốc gia, cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học nghề trọng điểm với những đối tượng khó khăn.

Hoàng Yến